Kết quả bước đầu trong quản lý khai thác cát trên sông Krông Nô

Lê Phước| 23/04/2019 10:29

Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác cát trên sông Krông Nô đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để đưa hoạt động này vào nền nếp, theo kế hoạch, quy hoạch, cơ quan chức năng đang tăng cường nhiều biện pháp quản lý theo hướng đồng bộ, hiệu quả hơn.

ADQuảng cáo

Vẫn còn một số tàu khai thác cát chưa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện khai thác cát đủ điều kiện nhưng vẫn hoạt động

Theo Sở TN&MT, toàn bộ đoạn sông Krông Nô thuộc địa bàn tỉnh quản lý đều đã được cấp giấy phép khai thác cát cho 6 doanh nghiệp. Ngoài mỏ cát ở xã Buôn Choáh chưa đi vào hoạt động (do đơn vị được cấp phép là Công ty CP VLXD Tây Nguyên chưa lấy giấy phép), các đơn vị còn lại hoạt động bình thường và có 5 bãi tập kết cát tại 3 xã: Nâm N’Đir, Đắk Nang và Quảng Phú.

Những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên sông Krông Nô, giáp ranh giữa Đắk Nông và Đắk Lắk ngày càng có chuyển biến rõ rệt. Đặc biệt là sau khi 2 tỉnh thống nhất ký Quy chế phối hợp số 430/QCPH-UBND vào tháng 3/2018 (điều chỉnh quy chế đã ký vào tháng 12/2015).

Theo Giám đốc Sở TN&MT Đàm Quang Trung, từ sau khi điều chỉnh quy chế, đơn vị đã phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra tình hình sạt lở dọc sông Krông Nô và yêu cầu các doanh nghiệp khai thác cát thực hiện nghiêm túc theo giấy phép, ký cam kết trong hoạt động khai thác như: Thời gian, số lượng tàu khai thác, lắp đặt trạm cân trong bãi tập kết… Sở TN&MT cũng tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định về việc phê duyệt phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh.

Đối với Sở Giao thông - Vận tải, đơn vị đã tổ chức thống kê, rà soát các phương tiện khai thác cát và 5 bến cát trên địa bàn huyện Krông Nô với 26 phương tiện. Đơn vị cũng phối hợp với Chi cục Đăng kiểm số 5 (ở Khánh Hòa) cấp 9 Giấy chứng nhận đăng ký cho các phương tiện khai thác cát đủ điều kiện để hoạt động.

ADQuảng cáo

Riêng lực lượng Công an tỉnh, từ tháng 6/2018, đơn vị đã mở đợt cao điểm xử lý vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản và tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý vi phạm pháp luật về môi trường và sử dụng tài nguyên khoáng sản do khai thác trái phép trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Bên cạnh đó, đơn vị cũng lập và thông báo đường dây nóng tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm về môi trường đến các tổ chức, cá nhân về hoạt động khai thác khoáng sản trên sông Krông Nô (SĐT: 02613.546.410).

Ngoài việc phát hiện, xử phạt hành chính đối với 20 phương tiện vi phạm (không đăng ký, đăng kiểm, không có bằng lái tàu…) với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng, trong năm 2018, Công an tỉnh cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hàng trăm lượt người nâng cao nhận thức bảo vệ, khai thác khoáng sản theo quy định.

Sau khi UBND tỉnh có chỉ đạo, huyện Krông Nô đã triển khai công tác cắm biển báo sạt lở tạm dừng hoạt động khai thác cát và giao cơ quan, đơn vị thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác cát tại khu vực trên. Từ đầu năm 2019 tới nay, UBND huyện Krông Nô tiếp tục tăng cường hiệu quả việc triển khai thực hiện quy chế, kịp thời phát hiện, xử lý các hoạt động khai thác vi phạm. Xây dựng kế hoạch và thành lập tổ tuần tra mở 2 tháng cao điểm tại khu vực sông Krông Nô, đoạn chảy qua địa phận xã Nâm N’Đir và Buôn Choáh. Từ đây,  các doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác cát trên sông Krông Nô đã từng bước chấp hành quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản.

Tuy đã đạt được một số kết quả khả quan nhưng theo Sở TN&MT, công tác quản lý nhà nước trong hoạt động khai thác cát trên sông Krông Nô vẫn còn một số tồn tại như: Công tác chống sạt lở và cắm biển báo đã triển khai nhưng chưa kịp thời; việc phát hiện và xử lý của các đơn vị quản lý nhà nước còn yếu (các vụ vi phạm chủ yếu do lực lượng công an phát hiện, xử lý); nhiều tàu (17/26 tàu) chưa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện khai thác cát đủ điều kiện nhưng vẫn đang hoạt động… Ngoài những nguyên nhân khách quan như: Địa hình sông nước phức tạp, ranh giới trên sông không rõ ràng… công tác phối hợp giữa các sở, ngành của 2 tỉnh còn chưa chủ động và thiếu nhịp nhàng.

Trước tình hình đó, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai Quy chế phối hợp số 430/QCPH-UBND giữa 2 tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông. Với tinh thần trên, kỳ vọng sau khi được UBND tỉnh xem xét và chỉ đạo, sở, ban ngành và các đơn vị có liên quan sẽ cùng vào cuộc một cách đồng bộ để công tác quản lý khai thác cát trên sông Krông Nô ngày càng đạt hiệu quả tốt hơn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kết quả bước đầu trong quản lý khai thác cát trên sông Krông Nô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO