Chủ động ứng phó với thiên tai khó lường

Hồng Thoan| 18/01/2021 09:46

Thiên tai bất thường diễn ra ngày càng nhiều, gây hậu quả lớn đối với đời sống kinh tế - xã hội. Điều này đòi hỏi cần phải có sự chủ động, nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai tốt hơn nữa.

ADQuảng cáo

Thời tiết cực đoan gây hậu quả lớn

Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn, năm 2020 ghi nhận những diễn biến thời tiết, thiên tai cực đoan, bất thường. Điều này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất, tài sản của Nhân dân, sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Đặc biệt là các tỉnh miền Trung, thời gian qua liên tiếp xảy ra những cơn bão, áp thấp nhiệt đới kết hợp gió mùa tăng cường gây mưa lớn, lũ lụt lịch sử. Cụ thể, từ tháng 10 - 11/2020, bão lũ đã liên tiếp xảy ra tại các tỉnh miền Trung, với phạm vi rộng, cường độ rất mạnh và gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Năm 2020 khô hạn làm ảnh hưởng đến khoảng 22.440 ha cây trồng các loại

Tình trạng “bão chồng bão”, “lũ chồng lũ” chưa từng có trong nhiều năm qua đã làm kiệt quệ tình hình sản xuất, cuộc sống tại nhiều địa phương. Các cơn bão đổ bộ vào các tỉnh phía Bắc và Trung Trung bộ gây ngập lụt trên diện rộng, nhất là tại các địa phương từ Nghệ An đến Quảng Nam. Trong đó, tỉnh Quảng Bình bị ngập nặng nhất, với trên 109.000 hộ.

Các cơn bão và mưa lũ lớn liên tục gây ra nhiều vụ sạt lở đất rất nghiêm trọng. Khủng khiếp nhất là tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3, Trạm Kiểm lâm số 67 Phong Điền (Thừa Thiên Huế); Đoàn Kinh tế  - Quốc phòng 337 Hướng Hóa (Quảng Trị); Trà Leng và Trà Vân, huyện Nam Trà My và Phước Lộc, huyện Phước Sơn (Quảng Nam), cướp đi sinh mạng của hàng trăm người dân và hàng chục cán bộ, chiến sĩ.

Khô hạn gây thiệt hại cho vườn cà phê người dân tại xã Đắk Ha (Đắk Glong)

Nâng cao năng lực xử lý tình huống

ADQuảng cáo

Đối với Đắk Nông, năm qua cũng phải gánh chịu những hậu quả lớn từ thiên tai. Cụ thể, đầu năm 2020 xuất hiện nắng nóng, khô hạn, làm ảnh hưởng đến sản xuất vụ đông xuân, gây thiệt hại lớn về sản xuất lúa, rau màu. Toàn tỉnh có trên 22.440 ha cây trồng bị ảnh hưởng, thiệt hại do khô hạn.

Năm qua có 3 đợt mưa lũ lớn, gây ngập 96 căn nhà, ảnh hưởng, thiệt hại đối với 612,75 ha cây trồng, 65,9 ha thủy sản; 9 cầu dân sinh, 1 công trình thủy lợi bị hư hỏng, nhiều điểm giao thông bị sạt lở do mưa lũ gây ra. Từ ngày 1-12/12/2020, trên địa bàn huyện Krông Nô, Cư Jút ngập lụt gây thiệt hại nhiều nhà dân, cây công nghiệp, hoa màu, lúa, lồng cá. Ước tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh trong năm qua khoảng 130 tỷ đồng, tăng khoảng gấp đôi so với các năm 2018, 2019.

Thiên tai gây sạt lở tuyến đường vào thác Liêng Nung (Gia Nghĩa)

Với những diễn biến thời tiết, thiên tai ngày càng khốc liệt, khó lường, Đắk Nông đã sớm chỉ đạo, đề nghị các cơ quan chuyên môn vào cuộc để nghiên cứu đưa ra các nhận định, dự báo.

Tháng 9/2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống thiên tai năm 2021. Trong đó, mục đích chính mà tỉnh hướng đến là nâng cao năng lực xử trí tình huống, sự cố; chỉ huy, điều hành tại chỗ nhằm chủ động phòng, chống thiên tai hiệu quả hơn, giảm thiểu thiệt hại. Các cấp, ngành quán triệt và thực hiện đúng, tốt phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy, lực lượng, phương tiện, hậu cần, vật tư); “3 sẵn sàng” (phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả).

Năm 2020, thiên tai làm 357 người chết và mất tích, 876 người bị thương; 3.427 ngôi nhà bị sập, 333.084 nhà bị hư hại, tốc mái, 511.172 lượt nhà bị ngập; 198.374 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; 51.923 con gia súc và 4,11 triệu con gia cầm chết, cuốn trôi.

Thiên tai cũng làm 787 km đê kè, kênh mương và 272,5 km bờ biển, sông, suối bị sạt lở, hư hỏng. Tổng thiệt hại về tài sản do thiên tai ước tính khoảng 37.400 tỷ đồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND Lê Trọng Yên, phòng chống thiên tai là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trách nhiệm của toàn dân, toàn xã hội, Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Nếu chủ động phòng, chống, sẵn sàng với các tình huống, sẽ hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, sau thiên tai sớm vực dậy đời sống, kinh tế - xã hội.

Với tinh thần đó, Đắk Nông sẽ lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Việc đầu tư xây dựng các công trình kết hợp đa mục tiêu có trọng tâm, trọng điểm nhằm phục vụ hoạt động phòng, chống thiên tai đã được tăng cường.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo, năm 2021, các cấp, các ngành tập trung thực hiện tốt nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp như xây dựng chương trình công tác chỉ đạo, điều hành; xác định, đánh giá, phân vùng rủi ro thiên tai; các hoạt động nhằm kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ huy, đào tạo nguồn nhân lực; năng lực cảnh báo, dự báo thiên tai; tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cộng đồng tiếp tục được coi trọng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động ứng phó với thiên tai khó lường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO