Thuận An, bảo vệ vững chắc vùng biên giới là trách nhiệm của toàn dân

Lam Giang| 04/03/2020 09:27

Với việc triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị 01, ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về “Tổ chức phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, xã Thuận An (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) đã huy động được sự chung sức của đông đảo người dân trong việc bảo vệ vững chắc đường biên, mốc giới trên địa bàn.

ADQuảng cáo

Tình cảm, trách nhiệm thiêng liêng

Tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ do UBND xã Thuận An tổ chức mới đây, nhiều người dân có thành tích xuất sắc đã được biểu dương. Nhưng trên hết, đó là tình cảm, trách nhiệm với chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc trong mỗi người dân đang sinh sống ở vùng quê biên giới còn nhiều khó khăn này.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Cửa khẩu Thuận An phối hợp với dân quân, người dân xã Thuận An tuần tra , bảo vệ biên giới

Ông Phạm Văn Xứng, Tổ trưởng Tổ tự quản đường biên cột mốc số 2 tâm sự: “Là một công dân sinh sống, có rẫy nương dọc theo biên giới, nên bản thân tôi cùng gia đình luôn ý thức tham gia quản lý và bảo vệ đường biên, cột mốc. Bản thân tôi không chỉ gương mẫu mà còn tích cực tuyên truyền vận động gia đình và bà con tham gia, quản lý bảo vệ đường biên, thực hiện tốt quy chế ra vào biên giới. Quá trình sinh sống, sản xuất, chúng tôi luôn đề cao cảnh giác, nếu phát hiện bất cứ dấu hiệu lạ, thông tin gì thì kịp thời ngăn chặn và báo cáo cho lực lượng biên phòng và cấp có thẩm quyền xử lý”.

Xã Thuận An có 12 km đường biên giới giáp nước bạn Campuchia. Đa số đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ của xã có mối quan hệ thân tộc với người dân xã Busara, huyện Perchănđa, tỉnh Mondulkiri (Campuchia) nên thường xuyên qua lại thăm thân... Với đặc thù đó, cấp ủy, chính quyền xã Thuận An luôn xác định, việc bảo vệ vững chắc vùng biên không chỉ là nhiệm vụ của lực lượng biên phòng mà còn là trách nhiệm của toàn dân. Mọi người dân phải luôn xem việc nâng cao nhận thức bảo vệ vùng biên và lãnh thổ quốc gia chính là bảo vệ cuộc sống của chính mình.

Ông Lê Xuân Đông, Chủ tịch UBND xã Thuận An cho biết: “UBND xã và các ban ngành, đoàn thể đã chủ động phối hợp với các lực lượng đứng chân trên địa bàn xã, Đồn biên phòng Cửa khẩu Thuận An làm tốt công tác tuyên truyền về Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ cũng như vận động người dân phát huy vai trò, trách nhiệm, cùng chung sức quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới lãnh thổ của Tổ quốc. Địa phương cũng tăng cường vận động các hộ gia đình, cá nhân luôn có ý thức tốt trong bảo đảm an ninh nông thôn, tham gia các tổ an ninh trật tự”.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Cửa khẩu Thuận An trao đổi với người dân xã Thuận An về bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới

Biên giới quốc gia quan trọng hơn

ADQuảng cáo

Với tinh thần đó, thời gian qua, xã đã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức 29 buổi tuyên truyền, với hơn 2.500 lượt người tham dự; phát động quần chúng, tuyên truyền pháp luật ở 2 bon với hơn 200 lượt người tham gia. Xã còn phối hợp với Đồn biên phòng Cửa khẩu Thuận An tổ chức tập huấn cho tổ tự quản đường biên giới và tổ an ninh trật tự thôn, bon và tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh.

Qua tuyên truyền, vận động, nhận thức của người dân thay đổi rõ rệt, hạn chế các hoạt động xâm phạm vùng biên giới, bảo đảm an ninh biên giới quốc gia. Nhân dân cung cấp khoảng 137 tin phục vụ công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới và an ninh trật tự. Hầu hết các gia đình đang canh tác, sinh sống trên đoạn biên giới đều tham gia tổ tự quản đường biên cột mốc và ký cam kết không vi phạm quy chế biên giới. Đặc biệt, có 5 hộ dân hiến đất để xây dựng cột mốc phụ biên giới và hơn 300 hộ dân hiến đất để giải tỏa mặt bằng làm đường tuần tra biên giới.

Ông Huỳnh Kim Bửu, ở thôn Đức An - một trong những hộ hiến đất thi công cột mốc biên giới chia sẻ: "Sau khi được chính quyền, lực lượng bộ đội biên phòng tuyên truyền, vận động, gia đình tôi đã hiến đất và chặt bỏ một số cây cà phê đang thu hoạch để xây dựng cột mốc phụ số 49. Nói thật, chặt bỏ cây trồng do mình dày công chăm sóc tôi cũng tiếc lắm, nhưng để xây dựng cột mốc biên giới là điều nên làm. Đất đai là tài sản quý giá, nhưng biên giới quốc gia còn quan trọng hơn, nên tôi không thể tính toán thiệt hơn”.

Ấm áp tình quân dân nơi biên giới

Thể hiện tinh thần dân tộc nơi biên cương

Xã Thuận An còn phối hợp với Đồn biên phòng Cửa khẩu Thuận An xây dựng và củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của 6 tổ tự quản đường biên cột mốc, với 126 hộ đăng ký tham gia và 10 tổ an ninh thôn, bon, với 60 thành viên. Các tổ tự quản đã phát huy được tinh thần đoàn kết, cùng chung sức bảo vệ đường biên, mốc giới quốc gia.

Ông Y Diêu, Tổ trưởng tổ tự quản đường biên, cột mốc số 4 cho biết: “Từ ngày thành lập đến nay, các thành viên tổ luôn tích cực, đồng lòng tham gia tuần tra, cảnh giác, bảo vệ đường biên, cột mốc. Không chỉ là “tai mắt” mà bà con còn thường xuyên cùng bộ đội biên phòng dọn dẹp, phát quang cỏ cây, vệ sinh xung quanh để cột mốc biên giới khi nào cũng sạch sẽ, trang nghiêm, uy nghi, thể hiện tinh thần dân tộc nơi biên cương của Tổ quốc”.

Trung tá Phạm Quốc Tuấn, Đồn trưởng Đồn biên phòng Cửa khẩu Thuận An khẳng định: “Trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và người dân xã Thuận An luôn chủ động phối hợp với lực lượng biên phòng nắm bắt tình hình, phát hiện và ngăn chặn kịp thời mọi hành vi vi phạm các quy định tại khu vực biên giới cũng như bảo vệ an toàn đường biên, mốc giới. Nhờ đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thôn, bon được ổn định, an ninh biên giới được giữ vững. Xã Thuận An là xã biên giới đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thuận An, bảo vệ vững chắc vùng biên giới là trách nhiệm của toàn dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO