Ðắk Nông bảo đảm công tác tuyển quân công khai, đúng luật

Phan Tân thực hiện| 18/11/2022 09:08

Hiện nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang triển khai các bước trong quy trình công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ (công tác tuyển quân) năm 2023. Phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc phỏng vấn Đại tá Đinh Hồng Tiếng, UVTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nghĩa vụ Quân sự (NVQS) tỉnh các vấn đề liên quan.

ADQuảng cáo

PV:Đại tá có thể cho biết một số nét mới trong công tác tuyển quân năm nay?

Đại tá Đinh Hồng Tiếng: Năm 2023, tỉnh Đắk Nông được Chính phủ giao chỉ tiêu tuyển chọn trên 1 ngàn thanh niên nhập ngũ vào các đơn vị trong quân đội và công an. Căn cứ chỉ tiêu của trên giao, với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng NVQS tỉnh, Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh và Hội đồng NVQS tỉnh giao chỉ tiêu cho các huyện, thành phố.

Điểm mới trong công tác tuyển quân năm 2023 là việc áp dụng, sửa đổi, bổ sung trong Nghị định 37/2022/NĐ-CP của Chính phủ về Sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 22/7/2022; trong đó tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Cụ thể, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong lệnh gọi kiểm tra hoặc khám sức khỏe NVQS của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp huyện theo quy định của Luật NVQS mà không có lý do chính đáng; phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng...

Đồ họa: P.T

PV:Những điểm mới này tác động thế nào đến công tác tuyển quân?

Đại tá Đinh Hồng Tiếng: Tham gia NVQS là quyền lợi và trách nhiệm bắt buộc với công dân tại Việt Nam theo quy định của pháp luật. Những điểm mới này đã tác động rất lớn nếu công dân vi phạm quy định về kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện NVQS thì gia đình bị “mất tiền”; thanh niên (con, em) vẫn bị gọi đi NVQS; không chấp hành thì truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, gia đình và công dân sẽ nhận thức và chấp hành nghiêm Luật NVQS.

ADQuảng cáo

PV:Hiện nay, nhiều công dân trong độ tuổi nhập ngũ quan tâm đến điều kiện tạm hoãn thực hiện NVQS, Đại tá có thể nói rõ vấn đề này?

Đại tá Đinh Hồng Tiếng: Điều 5, Thông tư số 148/2018/TT-BQP ngày 4/10/2018 của Bộ Quốc phòng quy định những công dân thuộc các trường hợp được tạm hoãn gọi nhập ngũ gồm: chưa đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo kết luận của Hội đồng khám sức khỏe; là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được UBND xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) xác nhận; một con của bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%.

Các trường hợp được tạm hoãn gọi nhập ngũ nếu có anh, chị hoặc em ruột là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ; hạ sĩ quan, chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; người thuộc diện di dân, giãn dân trong 3 năm đầu đến các xã đặc biệt khó khăn theo dự án phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước do UBND cấp tỉnh trở lên quyết định; cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật; đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; đang được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo.

Đại tá Đinh Hồng Tiếng (ngoài cùng bên phải) kiểm tra, động viên công dân khám sức khỏe thực hiện NVQS năm 2023 tại huyện Cư Jút

PV:Công tác tuyển quân được giao cho địa phương làm "tròn khâu", vậy để thực hiện tốt tiêu chí này cần lưu ý gì thưa Đại tá?

Đại tá Đinh Hồng Tiếng: Để thực hiện tốt tiêu chí “tròn khâu” từ sơ tuyển, khám sơ tuyển, xét duyệt hồ sơ, thăm hỏi, động viên tại cơ sở, chốt số công dân đủ điều kiện nhập ngũ, các địa phương tập trung thống nhất sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể “2 gặp, 4 biết” (gặp gia đình; gặp thanh niên), (biết lai lịch chính trị; biết hoàn cảnh gia đình; biết sức khỏe, văn hóa và biết tâm tư nguyện vọng của bản thân). “3 cử 4 công khai” (chính quyền cử; đoàn thể cử; gia đình cử), (công khai chỉ tiêu gọi nhập ngũ; công khai danh sách trúng tuyển và không trúng tuyển; công khai danh sách tạm hoãn và miễn gọi nhập ngũ; công khai danh sách đủ tiêu chuẩn nhưng chưa gọi nhập ngũ đợt này).

Lực lượng quân sự, công an thực hiện tốt “3 cùng” (cùng Hội đồng NVQS; cùng Hội đồng khám sức khỏe; cùng lễ giao, nhận quân). Việc tuyển chọn công dân nhập ngũ bảo đảm công khai, công bằng, dân chủ và đúng luật. Cùng với đó, các địa phương tăng cường tuyên truyền Luật NVQS, nhất là những điểm mới, để nâng cao ý thức, trách nhiệm của gia đình và công dân về nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, cũng như tạo sự răn đe đối với những trường hợp cố ý, trốn tránh thực hiện NVQS…

PV:Xin trân trọng cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ðắk Nông bảo đảm công tác tuyển quân công khai, đúng luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO