“Lá chắn” vững chắc nơi biên cương (kỳ 2): Giúp đồng bào hiểu rõ “Cô vít”

Lam Giang| 07/10/2021 08:59

Không chỉ tăng cường chốt chặn trên biên giới, Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Đắk Nông còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt các quy định phòng dịch và giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh.

ADQuảng cáo

Tiếng loa biên phòng

Cứ mỗi ngày 2 lần, vào buổi sáng và buổi chiều, Trung tá Phạm Mạnh Tuấn, Đội phó Đội vận động quần chúng, Đồn biên phòng Đắk Dang, đứng chân trên địa bàn xã Quảng Trực (Tuy Đức) lại cột chiếc loa di động phía sau xe máy, rồi đi đến tất cả tuyến đường trong xã để giúp người dân dễ dàng tiếp nhận thông tin về Covid-19.

Mặt khác, do đặc thù xã Quảng Trực có đông đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, nên thông tin về Covid-19 được biên dịch và phát bằng cả tiếng phổ thông, tiếng M’nông để bà con dễ nắm bắt. Trung tá Tuấn chia sẻ: “Với tôi, đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm tự hào khi được góp một phần công sức cho cuộc chiến chống dịch Covid-19. Tôi chỉ mong sao giúp bà con hiểu rõ dịch bệnh, biết chung sức, đồng lòng, quyết tâm chiến thắng “giặc Covid-19”.

Lực lượng biên phòng vận động đồng bào bon Sar Pa, xã Thuận An (Đắk Mil) ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19

“Từ khi có tiếng loa của các chú biên phòng chạy vào tận đây, bà con thường xuyên được nghe tuyên truyền, thông báo tình hình dịch bệnh và nhiều nội dung khác nữa. Vì thế, chúng tôi được nắm bắt thông tin kịp thời và chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh”, ông Điểu Thi, bon Bu P’răng 1, xã Quảng Trực phấn khởi nói.

Theo ông Điểu Toi, Bí thư Chi bộ bon Bu P’răng 1, hàng ngày được nghe tiếng loa biên phòng tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 như không tụ tập đông người, giữ khoảng cách tối thiểu tại nơi công cộng, hạn chế ra đường, chấp hành nghiêm quy định 5K, người dân nơi đây cảm thấy rất có ích. Từ đó, các gia đình chấp hành nghiêm túc quy định mà “tiếng loa biên phòng” mang đến.

Bà con ở 2 bon Sar Pa, Bu Đắk, xã Thuận An (Đắk Mil) có mối quan hệ thân tộc với người dân phía Campuchia và thường xuyên có nhu cầu qua lại biên giới để thăm thân nhân. Mặt khác, một bộ phận đồng bào, nhất là người già còn hạn chế trong sử dụng tiếng phổ thông nên không phải ai cũng nghe và hiểu hết được những khuyến cáo về cách phòng, chống dịch Covid-19.

Vì vậy, Đồn biên phòng Cửa khẩu Thuận An đã phối hợp với những người biết chữ M’nông biên dịch các tài liệu sang tiếng M’nông với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hành, giúp người dân nâng cao ý thức, chủ động phòng, chống dịch. Cùng với đó, nhiều panô, áp phích với nội dung tuyên truyền bằng 2 thứ tiếng về 6 bước phòng, chống dịch cũng được treo tại các điểm tập trung đông người.

Trung tá Doãn Văn Tiến, Chính trị viên Đồn biên phòng Cửa khẩu Thuận An cho biết: “Từ khi có dịch, hàng ngày, chúng tôi tổ chức tuyên truyền lưu động bằng 2 thứ tiếng tại các khu vực chợ, nơi tập trung đông người, phát tờ rơi với nhiều hình ảnh sinh động để đồng bào dễ dàng tiếp nhận thông tin. Với phương châm “gõ từng cửa, gặp từng người”, các tổ tuyên truyền còn phối hợp, thông tin đầy đủ nhất về tình hình, cách phòng, chống dịch bệnh đến đồng bào. Chúng tôi cố gắng giúp đồng bào hiểu rõ về “Cô vít”, đề cao cảnh giác, nhưng cũng không hoang mang, lo lắng thái quá mà luôn tin tưởng vào chính quyền địa phương”.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Đắk Lao (Đắk Mil) chuẩn bị loa di động đi tuyên truyền dọc biên giới

ADQuảng cáo

Đi từng ngõ, gõ từng nhà, ra tận rẫy

Đoạn biên giới do Đồn biên phòng Đắk Lao (Đắk Mil) quản lý có đặc thù là người dân sản xuất sát đường biên giới; trong đó có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy hàng ngày, bên cạnh tăng cường tuần tra, chốt chặn trên biên giới, chốt kiểm soát dịch đều phân công cán bộ, chiến sĩ chở theo chiếc loa di động chạy dọc đường biên giới phát đi phát lại nội dung liên quan đến dịch Covid-19 để tuyên truyền đến từng gia đình, từng người dân đang sản xuất trên nương rẫy.

Trung tá Trần Văn Tú, Chính trị viên Đồn biên phòng Đắk Lao cho hay: “Tùy theo diễn biến của dịch, đơn vị biên soạn nội dung cho phù hợp bằng tiếng Việt và tiếng M’nông để tuyên truyền đến người dân. Cùng với “Tiếng loa biên phòng”, đơn vị còn phối hợp với địa phương tuyên truyền qua các cụm loa truyền thanh, phát tờ rơi, treo băng rôn và vận động các hộ dân ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19”.

Ông Ma In, bon Bu Đắk, xã Thuận An (Đắk Mil) có rẫy sản xuất trong khu vực biên giới tin tưởng: "Gia đình có rẫy sát đường biên giới, nên tôi luôn nêu cao ý thức, trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ biên giới. Khi phát hiện trường hợp nào lạ trên địa bàn, trên rẫy hoặc xung quanh, tôi nhanh chóng báo ngay cho lực lượng biên phòng để có biện pháp xử lý. Mặc dù bên nhà vợ có người thân bên Campuchia nhưng lâu rồi nhà mình cũng chưa qua lại để thăm nhau hoặc rời khỏi địa phương khi không cần thiết”.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Đắk Song đến tận rẫy để tuyên truyền người dân phòng, chống dịch Covid-19

Từ khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo 12 đồn biên phòng làm tốt công tác tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền 7 xã biên giới đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống dịch đến đồng bào trên khu vực biên giới. Các đơn vị phối hợp với các già làng, trưởng bon, người có uy tín trong cộng đồng vận động người dân chấp hành nghiêm quy định phòng chống dịch, hạn chế, không tụ tập đông người vào các dịp lễ, tết, cưới hỏi, thăm thân...

Theo Thượng tá R’La Ngân, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh, với tinh thần "đi từng ngõ, gõ từng nhà, ra tận rẫy", BĐBP tỉnh phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền cho người dân để xây dựng “mỗi gia đình là một “pháo đài” chống dịch”.

BĐBP tỉnh còn huy động các nguồn lực tặng bà con 14.280 khẩu trang; 1.614 suất quà, trị giá 819 triệu đồng; hỗ trợ 506 hộ dân 28 tấn gạo, góp phần giúp đồng bào vượt qua khó khăn, tích cực tham gia phòng, chống dịch.

Đồn biên phòng Nậm Na hỗ trợ gạo cho hộ gia đình gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch trên địa bàn xã Đắk Wil (Cư Jút) 

Thời gian qua, BĐBP tỉnh đã tuyên truyền, vận động trên loa phát thanh được trên 1.270 giờ; tuyên truyền lưu động bằng loa di động 388 lần/1.019 giờ; phát tờ rơi tuyên truyền đến 26.920 hộ gia đình… Trên toàn tuyến biên giới đã có 16.578 hộ gia đình ký cam kết phòng, chống dịch Covid-19.

Qua tuyên truyền, đồng bào đã nâng cao nhận thức, hiểu biết về tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch Covid-19 và tự giác chấp hành nghiêm các quy định, các biện pháp phòng, chống dịch và không tiếp tay, bao che, tổ chức xuất, nhập cảnh trái phép. Trong đó, người dân cung cấp 170 nguồn tin có giá trị phục vụ cho công tác đấu tranh phòng, chống dịch và xuất, nhập cảnh trái phép.

>> Kỳ 3: Thêm động lực hoàn thành tốt nhiệm vụ

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Lá chắn” vững chắc nơi biên cương (kỳ 2): Giúp đồng bào hiểu rõ “Cô vít”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO