Xảy ra phá rừng nhiều nhất nước, nhưng vẫn tình trạng "cha chung không ai khóc"

Thụy Nguyên| 09/09/2019 08:15

Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã có văn bản đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR).

ADQuảng cáo

Văn bản chỉ ra: Trong 7 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh Đắk Nông đã phát hiện 524 vụ vi phạm các quy định của luật Lâm nghiệp; trong đó 48 vụ khai thác rừng trái pháp luật. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh xảy ra 265 vụ phá rừng trái phép, làm thiệt hại 66 ha rừng các loại. So với các địa phương khác trong cả nước, Đắk Nông có số vụ phá rừng xảy ra nhiều nhất.

Một cây gỗ thuộc lâm phận của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk N'tao bị chặt hạ cách đây chưa lâu

Có thể nói, những con số về phá rừng, hay diện tích rừng suy giảm lớn ở Đắk Nông không phải là mới. Nếu nhìn vào diện tích rừng bị xóa sổ khỏi bản đồ lâm nghiệp của tỉnh trong những năm qua mới thấy mức độ khủng khiếp về tình trạng phá rừng. Theo thống kê, năm 2006, tỷ lệ độ che phủ rừng của tỉnh là 55,5% thì đến 2017 chỉ còn 38,8%. Như vậy, trong vòng 10 năm, độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh đã giảm đến 16,7%.

Mặc dù toàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong QLBVR, nhưng tính đến đầu năm 2019, độ che phủ rừng toàn tỉnh mới có dấu hiệu tăng trở lại khi đạt 39,15%. Từ một tỉnh có diện tích rừng tự nhiên lớn, nhưng đến nay diện tích đất có rừng (rừng tự nhiên và rừng trồng) toàn tỉnh hiện chỉ còn 255.000 ha.

ADQuảng cáo

Số vụ phá rừng và diện tích rừng bị xâm chiếm chủ yếu là rừng tự nhiên. Chính vì vậy, ngoài diện tích rừng bị suy giảm thì đa dạng sinh học cũng mất dần. Nhiều cán bộ QLBVR lâu năm, chuyên gia lâm nghiệp cho biết, dù có trồng lại toàn bộ rừng trên thì cũng còn rất lâu nữa mới khôi phục được những giá trị về mặt đa dạng sinh học.

Nói đến con số phá rừng, có nhiều ý kiến băn khoăn về trách nhiệm của chính các đơn vị, địa phương và người đứng đầu những nơi để xảy ra phá rừng nhiều. Đó là trách nhiệm quản lý chưa cao, còn tình trạng buông lỏng QLBVR; công tác xử lý hành vi hủy hoại rừng bị xem nhẹ…

Thực tế mà nói, dù nhìn ở góc độ nào thì vẫn có một sự thật: Số vụ phá rừng nhiều luôn đi kèm với tỷ lệ diện tích rừng bị mất sẽ lớn. Cũng vì phá rừng mà trong số các nhóm chỉ tiêu kinh tế, xã hội của tỉnh đặt ra những năm qua thì chỉ số độ che phủ rừng luôn ở ngưỡng… không đạt. Vậy, câu hỏi được dư luận quan tâm là mất rừng, rừng bị phá nhiều thì trách nhiệm thuộc về ai. Ngoài đối tượng phá rừng, trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu đơn vị, địa phương có rừng phải được đặt lên hàng đầu.

Năm nào cũng có địa phương này, đơn vị kia xảy ra “điểm nóng” phá rừng. Thế nhưng, khi quy trách nhiệm người đứng đầu thì vẫn chung chung. Liên quan đến việc xử lý phá rừng chưa rõ ràng ở các địa phương, tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên, được tổ chức vào ngày 20/6/2016 ở thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, rừng đang rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc”. Vì vậy, phải xây dựng cơ chế quy trách nhiệm rõ ràng cho từng cá nhân, tổ chức để xử lý nghiêm.

Câu chuyện trách nhiệm trong quản lý của người đứng đầu đơn vị, địa phương để xảy ra phá rừng, mất rừng còn được nêu rất rõ ở các văn bản quy phạm pháp luật. Thế nhưng, khi chúng ta chưa hiện thực hóa được những văn bản, hay chỉ đạo của cấp trên thì vị trí về số vụ phá rừng, hay mất rừng ở Đắk Nông có lẽ vẫn sẽ ở tốp đầu cả nước.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xảy ra phá rừng nhiều nhất nước, nhưng vẫn tình trạng "cha chung không ai khóc"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO