Vườn Quốc gia Tà Đùng giao khoán rừng để… giữ rừng

Tính - Hùng| 10/12/2020 08:32

Để quản lý hơn 21.000 ha rừng và đất rừng, ngoài nỗ lực của tập thể đơn vị, Vườn Quốc gia Tà Đùng (VQG Tà Đùng), huyện Đắk Glong còn triển khai giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho hàng trăm hộ dân trong vùng. Khi có thêm lực lượng tham gia bảo vệ rừng đã góp phần hạn chế được rất nhiều vụ xâm hại rừng, đất rừng.

ADQuảng cáo

Bà con hiểu hơn giá trị rừng

Những ngày đầu mùa khô, công việc đi rừng cũng thuận tiện hơn. Anh K’Bông, tổ nhận khoán số 2, xã Đắk Som tâm sự: Đường vào rừng càng dễ đi thì bà con và cán bộ kiểm lâm ở Vườn càng phải tuần tra nhiều. “Mùa này, rất nhiều người vào rừng. Mỗi lần đi rừng thì gỡ được nhiều bẫy thú rừng”, anh K’Bông lý giải.

Các hộ nhận khoán rừng cùng lực lượng kiểm lâm thuộc VQG Tà Đùng tham gia phát, dọn đường băng cản lửa

Theo anh K’Bông, gia đình anh nhận giao khoán bảo vệ 30 ha rừng ở VQG. Kể từ khi nhận giao khoán, anh cùng hàng chục hộ dân trong tổ nhận khoán đã được tham gia nhiều buổi tập huấn, hướng dẫn về cách thức quản lý bảo vệ rừng. Vì gắn bó nhiều với rừng, nên ai cũng thấy rõ, nếu không nỗ lực đi tuần tra, ngăn chặn thì chẳng bao lâu nữa muông thú sẽ bị săn bắt hết.

Cũng gắn bó với công việc giao khoán bảo vệ rừng đã nhiều năm, ông K’Thanh, tổ nhận khoán số 3, xã Đắk Som cho rằng, khi đã hiểu rõ giá trị của rừng thì mình càng quý trọng nó. “Nhiều năm nay, tổ nhận khoán của mình cắt cử lực lượng cùng kiểm lâm của Vườn đi tuần tra liên tục. Kể cả những ngày mưa bão, bà con nhận khoán lại chú ý đi tuần tra nhiều hơn. Bởi vì, nếu mình lơ là lúc này sẽ không tránh khỏi lâm tặc vào phá rừng, đặt bẫy thú”, ông K’Thanh tâm sự.

Ông Khương Thanh Long, Giám đốc VQG Tà Đùng cho biết, đơn vị hiện đang giao khoán hơn 6.000 ha rừng cho 201 hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống gần rừng. Các hộ dân tập trung chủ yếu ở xã Đắk Som, Đắk R’măng (huyện Đắk Glong); xã Phi Liêng, Đạ K’Nàng (huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng).

Một số loài chim về khu vực VQG Tà Đùng sinh sống

ADQuảng cáo

Cũng theo ông Long, trung bình mỗi năm, các tổ nhận khoán và lực lượng kiểm lâm đơn vị tổ chức khoảng 1.000 lượt tuần tra rừng và ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm quản lý bảo vệ rừng. “Đơn cử như năm 2019, các hộ nhận khoán đã tham gia 1.168 lượt tuần tra, kiểm tra tại 24 tiểu khu rừng trong VQG với 5.540 lượt người tham gia. Qua tuần tra, đơn vị đã phát hiện và xử lý 4 vụ vi phạm lâm luật; thu giữ được 3 khẩu súng săn tự chế; tháo dỡ, thu giữ được 266 dây bẫy thú rừng và 10 bẫy kẹp; nhổ bỏ hơn 500 cây cà phê mới trồng trên diện tích tái lấn chiếm”, ông Long khẳng định.

VQG Tà Đùng có khoảng 2.000 loài động, thực vật

VQG Tà Đùng nằm ở phía Đông của cao nguyên M'nông, phía Tây của cao nguyên Di Linh và phía Tây Nam của vùng núi cao Chư Yang Sin. Đây là nơi giao thoa về địa lý – sinh học của khu vực Tây Nguyên, Nam Trung bộ và miền Đông Nam bộ.

Qua điều tra của các nhà khoa học ghi nhận, VQG Tà Đùng có khoảng 2.000 loài động, thực vật; trong đó, có 1.406 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 760 chi và 192 họ của 6 ngành thực vật khác nhau. Có 574 loài động vật được ghi nhận, trong đó có 62 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, 248 loài có tên trong Sách đỏ IUCN…

Rừng đem lại sinh kế

Theo anh K’Bông, từ ngày tham gia bảo vệ rừng, gia đình anh đã có thêm nguồn thu từ nhận giao khoán. Với nguồn thu nhập hàng tháng từ giao khoán rừng và làm thêm nương rẫy, nên đời sống của gia đình ngày càng ổn định. Anh K’Bông cho biết: “Bà con rất vui vì ai tham gia bảo vệ rừng cũng có thêm thu nhập. Chính vì thế, mỗi lần đi tuần tra đều có đầy đủ số người trong tổ nhận khoán”.

Lực lượng kiểm lâm và các hộ dân nhận khoán đốt dọn thực bì dưới tán rừng để phòng, chống cháy rừng

Ông Khương Thanh Long cho biết: Trong số 6.030 ha rừng giao khoán cho bà con lại được chia theo hai lưu vực như: sông Đồng Nai có hơn 2.361 ha, còn lại sông Sêrêpốk hơn 3.668 ha. Với mức chi trả trung bình từ 693.000 đồng đến 1,028 triệu đồng/ha/năm (tùy lưu vực sông-PV) thì trung bình mỗi năm một hộ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng sẽ có thu nhập từ 20,8 đến 30,8 triệu đồng.

Nói về hiệu quả của việc giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho bà con, ông Khương Thanh Long khẳng định, hiệu quả giữ rừng không chỉ nằm trên diện tích giao khoán mà còn lan tỏa ở cả VQG. Bởi vì, mỗi hộ nhận khoán cũng chính là một tuyên truyền viên về công tác quản lý bảo vệ rừng. Do đó, diện tích rừng, đất rừng hàng năm ở VQG Tà Đùng bị xâm hại ngày càng được giảm thiểu.

Chi trả hơn 21 tỷ đồng cho các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng

Trong các năm từ 2017-2020, VQG Tà Đùng đã chi trả tiền cho các hộ nhận khoán bảo vệ rừng hơn 21,6 tỷ đồng, đạt 194,91% so với kế hoạch. Cụ thể, nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng hơn 14,8 tỷ đồng, chiếm 69%; nguồn ngân sách Nhà nước hơn 6,73 tỷ đồng, chiếm 31%.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vườn Quốc gia Tà Đùng giao khoán rừng để… giữ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO