Vẫn chưa giải được "bài toán độ che phủ rừng"

Hưng Nguyên| 02/11/2020 08:44

Giai đoạn 2016 - 2020, hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh cơ bản đạt yêu cầu chung, trong đó diện tích rừng trồng vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, tình trạng phá rừng còn diễn biến phức tạp, tỉ lệ độ che phủ rừng chưa đạt chỉ tiêu đề ra.

ADQuảng cáo

Giai đoạn 2016 – 2020, ngành Lâm nghiệp của tỉnh đã đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Trên cơ sở quỹ đất và điều kiện hiện có, các địa phương, công ty lâm nghiệp, doanh nghiệp đã chủ động xây dựng phương án, kế hoạch trồng rừng hằng năm. Trung bình mỗi năm, diện tích rừng trồng được từ 1.000 - 1.500 ha. Cả giai đoạn, toàn tỉnh Đắk Nông trồng được 8.470 ha rừng, vượt 3.470 ha so với kế hoạch được giao.

Trồng rừng tại Vườn Quốc gia Tà Đùng. Ảnh tư liệu

Phát triển rừng trong giai đoạn này có chiều hướng tích cực, nhưng về cơ bản vẫn chưa đáp ứng được tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Hiện nay, diện tích đất quy hoạch phát triển lâm nghiệp còn bị lấn chiếm nhiều. Các chính sách trồng rừng chưa thu hút được người dân, doanh nghiệp tham gia. Do điều kiện, đất đai, cây nông nghiệp vẫn chiếm lợi thế hơn so với cây lâm nghiệp, nên việc khuyến khích người dân tham gia trồng rừng còn gặp khó khăn.

Công tác bảo vệ rừng có nhiều chuyển biến tích cực. Lực lượng chức năng của tỉnh đã ngăn chặn được tình trạng phá rừng quy mô lớn, xóa các điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Tuy nhiên, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn diễn ra hết sức phức tạp. Hàng năm không đạt chỉ tiêu giảm 50% số vụ phá rừng và diện tích thiệt hại mà nghị quyết HĐND tỉnh đặt ra.

Trong giai đoạn, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 1.865 vụ phá rừng trái pháp luật, thiệt hại 729 ha rừng. Đặc biệt, đối với các dự án nông lâm nghiệp, tình trạng doanh nghiệp, chủ rừng và cơ quan chức năng quản lý rừng chưa chặt chẽ, gây mất rừng và kéo theo nhiều điểm nóng về đất đai, gây mất an ninh trật tự, làm phát sinh khiếu nại, khiếu kiện.

ADQuảng cáo

Năm 2016, tỷ lệ độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 38,8%. Đến năm 2020 tỷ lệ độ che phủ rừng lại giảm xuống còn 38% (tức giảm 0,8% so với năm 2016). Trong khi chỉ tiêu độ che phủ rừng năm 2020 do HĐND tỉnh giao là 42%.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, nguyên nhân độ che phủ rừng giảm chủ yếu do nhiều diện tích rừng bị phá. Tình trạng dân di cư tự do từ nơi khác đến vẫn diễn ra nhiều và khó kiểm soát, gây áp lực lên rừng và ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.

Ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, để tăng độ che phủ rừng, trước mắt cần phải tập trung giữ nguyên diện tích rừng tự nhiên, tăng cường trồng rừng. Đối với cây rừng trồng mới, ít nhất sau 3 năm, khi cây khép tán mới được tính vào diện tích che phủ rừng.

Cũng theo ông Dần, ngành lâm nghiệp đang xây dựng kế hoạch đến năm 2025 nâng tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 40%. Như vậy, bình quân mỗi năm phải giảm được 50% số vụ phá rừng và diện tích rừng bị phá. Để đạt mục tiêu kế hoạch này, từ năm 2021 - 2022, ngành lâm nghiệp sẽ phải trồng mới hơn 9.000 ha rừng.

Nhiệm vụ này sẽ rất khó khăn, nhưng ngành lâm nghiệp đã xây dựng kế hoạch, trong đó triển khai các giải pháp hạn chế thấp nhất tình trạng phá rừng tự nhiên. Ngành lâm nghiệp cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân phát triển các loại cây công nghiệp được tính vào độ che phủ rừng cao su, mắc ca, điều...

Bên cạnh đó, ngành lâm nghiệp cũng sẽ triển khai các chính sách hỗ trợ người dân tham gia trồng rừng. Ngoài trồng rừng ngành lâm nghiệp cũng sẽ triển khai Đề án Nông lâm kết hợp để vừa giải quyết bài toán sinh kế, vừa giải quyết vấn đề môi trường, tăng độ che phủ rừng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẫn chưa giải được "bài toán độ che phủ rừng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO