Trồng rừng thay thế, khó đạt được kế hoạch đề ra

Bình Minh| 28/05/2015 09:40

Theo quy định thì các dự án đã chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang xây dựng công trình thủy điện và các công trình khác trên địa bàn tỉnh phải tổ chức trồng rừng thay thế (TRTT), hoàn thành trong 3 năm từ 2014-2016. Thế nhưng qua rà soát của ngành Nông nghiệp mới đây cho thấy khó có thể đạt được kế hoạch đề ra.

ADQuảng cáo

Theo kế hoạch của Trung ương giao, trong giai đoạn 2014-2016, toàn tỉnh phải hoàn thành việc trồng 7.721 ha rừng thay thế. Tuy nhiên, đến nay, các đơn vị mới triển khai trồng được gần 120 ha, đạt 1,56% kế hoạch giao. Chỉ tính riêng trong năm 2014, các dự án thủy điện trên địa bàn phải TRTT với diện tích hơn 1.912 ha nhưng đến cuối năm các đơn vị chỉ trồng được hơn 118 ha, đạt 6,2% kế hoạch.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do nhiều chủ đầu tư dự án thủy điện chưa tích cực trong việc triển khai thực hiện nghĩa vụ TRTT. Đến nay, toàn tỉnh mới chỉ có một chủ đầu tư dự án thủy điện lập phương án trồng rừng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, còn lại 9 chủ đầu tư dự án thủy điện chưa lập phương án TRTT.

Đối với các đơn vị TRTT, do diện tích trồng rừng lớn, thời gian thực hiện ngắn nên các đơn vị đều gặp khó khăn trong công tác chuẩn bị nguồn kinh phí để tổ chức trồng rừng, đặc biệt là các công trình thủy điện đã được chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và công trình đã hoàn thành thi công đưa vào vận hành. Chủ đầu tư dự án các công trình thủy điện không có chuyên môn nghiệp vụ trong công tác trồng và quản lý các dự án trồng rừng. Do đó, khi triển khai thực hiện, các đơn vị gặp nhiều khó khăn về lập phương án trồng rừng, hồ sơ thiết kế trồng rừng, kỹ thuật trồng, chăm sóc và quản lý, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng.

Một vướng mắc nữa ảnh hưởng đến việc TRTT là quỹ đất để bố trí cho việc TRTT chủ yếu là dựa trên cơ sở báo cáo rà soát, thống kê của các đơn vị chủ rừng. Tuy nhiên, trong quá trình bàn giao ngoài thực địa thì hầu hết diện tích đất phần lớn bị xâm canh hoặc đang xảy ra tranh chấp.

Được biết, trong 4 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh tổ chức rà soát và xác định thêm được quỹ đất là 291 ha tại các đơn vị chủ rừng để đưa vào phương án TRTT nhưng xem ra công tác này hiện nay còn rất chậm khi mà thời điểm tập trung trồng rừng vào mùa mưa đã đến gần. Trong khi, quy định của Bộ Nông nghiệp - PTNT chưa đề cập đến quản lý, bảo vệ rừng và quyền lợi của các chủ rừng khi tham gia chương trình này nên chưa thu hút được các đơn vị tham gia.

ADQuảng cáo

Theo ông Đỗ Ngọc Duyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp – PTNT, trước những khó khăn, vướng mắc trong công tác TRTT, kế hoạch trồng 7.721 ha khó có thể hoàn thành được. Vì thế, Sở đã kiến nghị với UBND tỉnh báo cáo Chính phủ, Bộ Nông nghiệp-PTNT cho gia hạn thời gian TRTT trên địa bàn tỉnh kéo dài đến hết năm 2019 để các doanh nghiệp chuẩn bị nguồn kinh phí, đồng thời quy định cụ thể về sở hữu rừng trồng đối với diện tích TRTT nhằm thu hút rộng rãi đối tượng tham gia.

Theo đó, diện tích trồng rừng tại các doanh nghiệp Nhà nước, đơn vị hưởng lợi được xem như vốn bổ sung để bảo vệ, phát triển rừng. Về phương thức TRTT, ngoài phương thức TRTT tập trung, các bộ, ngành Trung ương có thể cho phép tỉnh bổ sung phương thức TRTT nông, lâm nghiệp kết hợp, bởi hiện nay phần lớn diện tích đất quy hoạch TRTT do người dân lấn chiếm, sản xuất.

Việc TRTT theo phương thức nông, lâm nghiệp kết hợp không chỉ thu hút người dân tham gia trồng rừng mà còn nâng cao hiệu quả rừng trồng, đặc biệt là trồng các loại cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao.

Ngoài ra, do chủ đầu tư không có chuyên môn về lâm nghiệp nên tỉnh đề nghị cho phép các chủ rừng trực tiếp tổ chức trồng rừng trên cơ sở phương án trồng rừng mà nhà đầu tư lập và được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, nhà đầu tư nộp tiền vào quỹ bảo vệ và phát trển rừng theo phương án để tỉnh phân bổ cho các đơn vị TRTT. Các bộ, ngành Trung ương cần xử lý nghiêm đối với các dự án nhà máy thủy điện không thực hiện hoặc thực hiện chậm tiến độ, TRTT không bảo đảm chất lượng. Đối với chủ rừng là hợp tác xã, cộng đồng, hộ gia đình, những đối tượng này được huởng lợi và xem như vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ bảo vệ, phát triển rừng...

Có thể nói, trước những khó khăn, vướng mắc trong công tác TRTT xem ra kế hoạch hoàn thành 7.721 ha từ nay đến năm 2016 khó có thể đạt được. Và nếu được Chính phủ cho phép gia hạn về thời gian cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành Trung ương liên quan với tỉnh, giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với đơn vị triển khai trồng rừng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mới có thể hoàn thành kế hoạch TRTT.

Theo kế hoạch của Trung ương giao, trong giai đoạn 2014-2016, toàn tỉnh phải hoàn thành việc trồng 7.721 ha rừng thay thế. Tuy nhiên, đến nay, các đơn vị mới triển khai trồng được gần 120 ha, đạt 1,56% kế hoạch giao.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trồng rừng thay thế, khó đạt được kế hoạch đề ra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO