Triển khai nhiều giải pháp để khôi phục và phát triển rừng bền vững

Đức Hùng| 18/12/2019 09:02

Thời gian qua, ngành Lâm nghiệp cũng như các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

ADQuảng cáo

Liên kết với dân để khôi phục rừng

Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa, được giao quản lý bảo vệ hơn 11.100 ha rừng và đất lâm nghiệp, trải rộng trên địa bàn xã Quảng Thành (Gia Nghĩa) và các xã Đắk Ha, Đắk R’măng (Đắk Glong). Trong đó, diện tích đất có rừng 3.213 ha, đất chưa có rừng 7.940 ha.

Kết quả điều tra, rà soát của đơn vị cho thấy, diện tích đất lâm nghiệp có khả năng phát triển rừng khoảng 3.000 ha. Tuy nhiên, diện tích này hiện người dân đang xâm canh trồng cà phê, tiêu, cây ngắn ngày nên việc phát triển rừng đang gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng này, đơn vị đã thành lập các đoàn đến tận bon làng, khu dân cư để tuyên truyền vận động người dân tham gia. Tuy nhiên, do tâm lý sợ mất diện tích đất canh tác nên người dân không chịu hợp tác, gây khó khăn cho việc trồng rừng.

Rừng trồng tại xã Quảng Khê (Đắk Glong)

Ông Vũ Văn Trọng, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa cho biết, dựa vào hiện trạng đất rừng bị lấn chiếm, đơn vị xác định việc phát triển rừng phụ thuộc vào số hộ dân đang canh tác trên diện tích đất rừng được giao về cho đơn vị quản lý. Đơn vị đã chủ động tuyên truyền, vận động người dân tham gia phát triển rừng, nên công tác trồng rừng của đơn vị đạt kết quả tích cực. Năm 2017, UBND tỉnh giao cho đơn vị trồng gần 75 ha rừng thay thế nhưng chỉ trồng được 34 ha. Nhưng năm 2018, nhờ đẩy mạnh chính sách nhận giao khoán trồng và chăm sóc rừng phòng hộ, nên người dân đã đăng ký tham gia và trồng được 150 ha, đạt 100% kế hoạch. Năm 2019, Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa đã tiến hành trồng được 100 ha rừng. Diện tích rừng trồng của đơn vị phát triển tốt, tỷ lệ cây sống đạt trên 85%.

Tương tự, hiện trạng đất rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk R’măng (Đắk Glong) cũng trong tình trạng bị người dân lấn chiếm, canh tác các loại cây trồng nhiều năm. Sau nhiều năm không thể trồng rừng, năm 2019 thực hiện kế hoạch trồng rừng, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk R’măng đã triển khai nhiều đợt tuyên truyền, vận động và ký hợp đồng với 6 hộ dân để trồng 34 ha rừng. Sau khi ký hợp đồng, các hộ dân đã chủ động phát dọn thực bì, đào hố và triển khai trồng rừng. Ban Quản lý cũng đã chủ động cung cấp 60.000 cây giống và phân bón tại vị trí trồng rừng cho người dân, cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, giám sát việc trồng rừng một cách chặt chẽ. Sau khi nhận trồng rừng các hộ tiếp tục chăm sóc rừng theo hình thức giao khoán...

ADQuảng cáo

Hiện trạng rừng, đất phát triển rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa, Đắk R’măng cũng chính là hiện trạng chung của các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng hiện nay. Do đó, thời gian qua, các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng đã tăng cường liên kết với người dân để phát triển thêm diện tích rừng. Việc liên kết đã từng bước tăng thêm diện tích đất rừng được quy hoạch trồng rừng. Bên cạnh đó, một trong những phương án khôi phục rừng của ngành Nông nghiệp là liên kết với người dân, trồng xen cây lâm nghiệp với mật độ thích hợp trên những diện tích đất rừng đã bị xâm chiếm trước đây. Giải pháp này vừa nâng tỷ lệ độ che phủ rừng vừa bảo đảm có đủ không gian dinh dưỡng để cây nông nghiệp sinh trưởng và phát triển, duy trì sinh kế cho hộ gia đình...

Mô hình nông lâm kết hợp bền vững tại Đắk Mil

Nhiều giải pháp phát triển rừng

Trên cơ sở Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016 - 2030, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng mất rừng, khôi phục và phát triển rừng bền vững.

Cụ thể, theo kế hoạch, ngành lâm nghiệp tiến hành rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách lâm nghiệp đặc thù trên địa bàn theo hướng khuyến khích hình thành hệ thống quản lý rừng cộng đồng, trên cơ sở giao rừng cho hộ gia đình, nhóm hộ, buôn làng quản lý, bảo vệ. UBND tỉnh cũng cho phép cơ quan chức năng sử dụng hợp lý một phần đất lâm nghiệp không có rừng để bố trí đất sản xuất, ổn định đời sống của dân gắn với bảo vệ và phát triển rừng lâu dài, hình thành vùng lâm sản ngoài gỗ...

Cùng với đó, tỉnh cũng triển khai cơ chế, chính sách để người dân và doanh nghiệp liên kết với các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng nhằm hướng đến mục tiêu phát triển rừng; xây dựng và triển khai cơ chế phù hợp với các quy định của pháp luật để xử lý diện tích bị lấn chiếm tại các đơn vị quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, các công ty lâm nghiệp để phát triển rừng. Nhiệm vụ then chốt của Đề án là xây dựng các mô hình trồng rừng trên đất đã canh tác cây nông nghiệp ngắn ngày, dài ngày. Cùng với đó, ngành nông nghiệp sẽ đưa các giống cây đa mục đích, cây đặc sản trồng trên diện tích đất bị lấn chiếm, sản xuất nông nghiệp...

Ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, trước mắt, ngành Lâm nghiệp tiếp tục củng cố, kiện toàn, tập trung tăng cường lực lượng kiểm lâm, đôn đốc chủ rừng, chính quyền địa phương tại một số điểm nóng phá rừng, khu vực có nguy cơ phá rừng, khai thác lâm sản cao. Ngành Nông nghiệp cũng tiến hành thành lập các chốt, trạm để tổ chức ngăn chặn các điểm nóng có nguy cơ phá rừng cao; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân tham gia tích cực hơn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, không xâm hại tài nguyên rừng. Mục tiêu của ngành Lâm nghiệp là kiên quyết giữ diện tích rừng tự nhiên hiện nay và trồng rừng theo hình thức nông lâm kết hợp ở những khu vực có thể phục hồi rừng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển khai nhiều giải pháp để khôi phục và phát triển rừng bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO