Thực hiện dịch vụ chi trả môi trường rừng: Góp phần gắn kết trách nhiệm, nghĩa vụ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng

Hà An| 14/01/2015 09:15

Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (Sở Nông nghiệp-PTNT) thì Đắk Nông là tỉnh được đánh giá có tiềm năng về thực hiện chính sách chi trả DVMTR với nguồn thu trung bình mỗi năm khoảng 50 tỷ đồng, đứng thứ 5/53 tỉnh, thành phố trong cả nước.

ADQuảng cáo

Trong năm 2014, nguồn thu dịch vụ từ lĩnh vực này đã có sự tăng mạnh do làm tốt công tác khảo sát, khai thác tốt nguồn thu theo quy định. Cụ thể, trong năm, toàn tỉnh thu được hơn 65,4 tỷ đồng từ DVMTR, đạt 121% kế hoạch đề ra. Trong đó, thu ủy thác qua quỹ Trung ương là hơn 45,4 tỷ đồng và thu nội tỉnh là 20 tỷ đồng.

Từ nguồn thu này, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh đã đẩy mạnh công tác giải ngân cho các đơn vị chủ rừng kịp thời, đúng đối tượng. Đến nay, đơn vị đã chi trả được 68,7 tỷ đồng cho các chủ rừng thuộc đối tượng thụ hưởng với tổng diện tích rừng nghiệm thu hơn 150.000 ha; trong đó, chi cho 19 đơn vị chủ rừng là đơn vị quốc doanh với số tiền 59,8 tỷ đồng, 21 đơn vị ngoài quốc doanh với số tiền gần 3,7 tỷ đồng, 8 đơn vị chủ rừng là lực lượng vũ trang với số tiền 2,9 tỷ đồng và 34 hộ gia đình cá nhân nhận khoán quản lý rừng với số tiền hơn 271 triệu đồng.

Từ nguồn quỹ này, các đơn vị hưởng lợi đã kịp thời đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng như tăng cường lực lượng quản lý, bảo vệ; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về quyền lợi, nghĩa vụ về bảo vệ rừng và trồng, chăm sóc rừng…

Đặc biệt, đối với người dân nhận quản lý, bảo vệ rừng thì thu nhập tăng thêm từ nguồn quỹ đã cụ thể hóa giá trị lao động của họ trong nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng, tạo thêm điều kiện, động lực để họ gắn bó với công việc, nhiệm vụ được giao. Còn đối với các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong điều kiện cân đối nguồn kinh phí gặp khó khăn do chủ trương đóng cửa rừng thì đây là nguồn tài chính quan trọng để các đơn vị tiếp tục duy trì hoạt động trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

ADQuảng cáo

Để phát huy tốt nguồn quỹ đúng mục đích, thời gian qua, ngoài việc tăng cường công tác khảo sát, xác định diện tích rừng thuộc diện chi trả, cơ quan chức năng cũng đã thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình quản lý, sử dụng nguồn quỹ để kịp thời chấn chỉnh những bất cập như chi sai đối tượng, chậm trễ so với thời gian quy định…

Từ đây, công tác giải ngân nguồn quỹ đã từng bước đi vào nền nếp, đúng tiến độ, kế hoạch. Bên cạnh đó, đối với những trường hợp chưa đáp ứng đủ nguồn, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã tham mưu cho tỉnh sử dụng linh hoạt nguồn quỹ dự phòng để chi tạm ứng cho các đơn vị.

Đơn cử, trong năm 2014, tỉnh đã ứng gần 3 tỷ đồng từ nguồn quỹ dự phòng DVMTR chi cho 7 đơn vị chủ rừng để kịp thời triển khai nhiệm vụ. Đối với đối tượng chi trả tiền dịch vụ, đơn vị thường xuyên đôn đốc công nợ, đồng thời đẩy nhanh tiến độ nghiệm thu số lượng, chất lượng rừng tham gia cung ứng dịch vụ để làm cơ sở cho các đối tượng thực hiện thanh quyết toán.

Có thể thấy, ngoài lợi ích trực tiếp là tăng cường thêm nguồn kinh phí, đằng sau đó thì DVMTR còn khẳng định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của các đối tượng trong khai thác, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.  

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện dịch vụ chi trả môi trường rừng: Góp phần gắn kết trách nhiệm, nghĩa vụ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO