Thêm nhiều chủ rừng để mất rừng, đất rừng

Đức Hùng| 03/10/2017 10:14

Qua rà soát 2 dự án nông - lâm nghiệp liên quan đến rừng, đất rừng của Đoàn Thanh tra do Sở Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) chủ trì mới đây cho thấy, sau thời gian giao, cho thuê đất rừng, các chủ rừng thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý để mất rừng, đất rừng bị lấn chiếm dẫn đến tranh chấp ngay chính trên đất mình làm chủ.

ADQuảng cáo

Rừng bị phá, đất rừng bị lấn chiếm, tranh chấp tại HTX Hợp Tiến

Hơn 600 ha rừng bị xóa sổ

Công ty TNHH SX-TM Vĩnh An (Công ty Vĩnh An) được UBND tỉnh Đắk Nông cho thuê đất và giao rừng theo Quyết định số 1606/QĐ-UBND, ngày 27/10/2005 tại huyện Chư Jút với tổng diện tích hơn 1.442 ha, trong đó công ty thuê 862 ha, tỉnh giao 580 ha đất khoanh nuôi bảo vệ rừng tại tiểu khu 834.

Đối với 580 ha diện tích rừng giao khoanh nuôi bảo vệ, ngay từ khi giao nhận, Công ty đã có nhiều biện pháp tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để tăng cường giữ rừng nhưng vẫn không ngăn chặn được người dân phá rừng lấy đất sản xuất. Hằng năm, Công ty đều có báo cáo các cơ quan chức năng và chính quyền đề nghị hỗ trợ công tác quản lý bảo vệ rừng.

Đến năm 2011, nhận thấy khả năng không giữ được diện tích rừng còn lại, Công ty đã lập hồ sơ đề nghị trả lại diện tích rừng được giao theo một số văn bản của UBND tỉnh. Tuy nhiên, kết quả thanh tra đầu tháng 9/2017 của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy, toàn bộ 580 ha diện tích rừng được giao cho Công ty quản lý, bảo vệ đã bị phá, lấn chiếm lấy đất sản xuất.

Với việc để thiệt hại diện tích rừng đã nêu, Đoàn thanh tra đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tiến hành tính toán giá trị thiệt hại của 580 ha rừng đã mất để yều cầu Công ty đền bù rừng theo quy định, đồng thời tham mưu xử lý trách nhiệm của các bên liên quan.

Tương tự, theo Quyết định số 204/QĐ-UBND, ngày 3/2/2016 của UBND tỉnh về việc thu hồi đất rừng của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Quảng Sơn để giao cho HTX Hợp Tiến thuê thực hiện dự án Quản lý bảo vệ rừng và đầu tư sản xuất nông - lâm nghiệp theo mô hình kinh tế tập thể. Theo đó, HTX Hợp Tiến được tỉnh cho thuê 1.215 ha đất tại tiểu khu 1664, 1645 xã Quảng Sơn (Đắk Glong).

Rừng bị phá, đất rừng bị lấn chiếm, tranh chấp tại HTX Hợp Tiến

ADQuảng cáo

Hiện trạng khu đất thời điểm cho thuê gồm: Đất có rừng 645 ha, đất không có rừng 569 ha. Sau 12 tháng quản  lý bảo vệ, đến thời điểm hiện tại, diện tích rừng trong dự án HTX Hợp Tiến được giao quản lý, bảo vệ đã bị phá là hơn 53 ha. Theo kết luận của Đoàn Thanh tra Sở TN&MT, 53 ha rừng bị phá, lấn chiếm trách nhiệm thuộc về các đơn vị: HTX Hợp Tiến, Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Glong, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn. Đoàn thanh tra cũng kiến nghị Sở Nông nghiệp và PTNT chuyển hồ sơ, tài liệu liên quan đến hơn 53 ha rừng bị phá sang cơ quan cảnh sát điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Như vậy, chỉ mới "sờ" đến 2 đơn vị được giao quản lý, bảo vệ rừng, cơ quan chức năng đã phát hiện tới 633 ha rừng bị xóa sổ. Chưa kể những hệ lụy phát sinh trong việc buông lỏng quản lý dẫn đến mất rừng như tranh chấp đất đai, lấn chiếm đất rừng...

Để xử lý diện tích đất rừng bị lấn chiếm, tranh chấp phức tạp thời gian qua, theo kiến nghị, tham mưu của Đoàn Thanh tra, tỉnh sẽ tiến hành thu hồi 688 ha đất của Công ty Vĩnh An đang bị xâm canh, lấn chiếm gồm: 580 ha đất có rừng quản lý bảo vệ, 37 ha đất quy hoạch trồng rừng, 71 ha quy hoạch trồng cao su hiện người dân đang sử dụng. Về phương án xử lý đất tranh chấp tại HTX Hợp Tiến, Đoàn Thanh tra kiến nghị HTX cần vận động người dân có đất vào HTX để thực hiện dự án, có phương án bóc tách diện tích đất đã sử dụng trước năm 2014 ra khỏi dự án để xử  lý...

Đất rừng bị lấn chiếm, tranh chấp phức tạp

Không chỉ để mất toàn bộ diện tích rừng được giao quản lý, bảo vệ, Công ty Vĩnh An còn để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất được giao. Cụ thể, trong tổng diện tích 1.442 ha rừng, đất rừng được giao, từ năm 2005 đến năm 2017, Công ty chỉ quản lý và sử dụng 512 ha. Còn lại, phần lớn diện tích đất, đơn vị đã để người dân phá rừng, xâm canh, lấn chiếm đất và chưa thỏa thuận đất đai với tổng diện tích 930 ha.

Cụ thể, đối với diện tích 580 ha rừng được giao Công ty đã để người dân phá rừng, xâm canh lấn chiếm toàn bộ. Đối với 753,8 ha diện tích quy hoạch trồng cao su, Công ty để người dân tái lấn chiếm và tranh chấp 241,8 ha. Đối với 37,2 ha đất quy hoạch trồng rừng, Công ty để người dân lấn chiếm toàn bộ. Ngoài ra còn 71,2 ha đất quy hoạch trồng cao su, từ khi thuê đất đến thời điểm thanh tra, Công ty chưa thỏa thuận được với người dân đã sử dụng đất để thu hồi.

Theo báo cáo của Công ty Vĩnh An, từ  năm 2011 đến tháng 7/2016, trong số 753 ha đất đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho Công ty, có 282 ha đất bị khoảng 105 hộ dân tái lấn chiếm và tranh chấp. Để xử lý vụ việc, Công ty đã khiếu kiện 1 vụ tái chiếm đất và một số hộ dân tự nguyện trả đất lại cho Công ty. Đến thời điểm thanh tra, vẫn còn 241,8 ha diện tích đất vẫn đang bị người dân lấn chiếm. Đối với hơn 71 ha đất quy hoạch trồng cao su, theo giải trình của công ty thì chưa thỏa thuận được từ người dân đã sử dụng từ trước đó.

Tương tự, trong diện tích đất cho HTX Hợp Tiến thuê có nhiều diện tích do các hộ dân xâm canh, lấn chiếm hoặc mua bán trái phép trên lâm phần của Công TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn để sử dụng từ trước nhưng chưa có hỗ trợ thỏa đáng về tài sản, công khai phá hoặc chưa giải tỏa xong trước khi cho HTX Hợp Tiến thuê đất. Tổng cộng có 127 hộ dân với tổng diện tích 174 ha đất trong ranh giới đất của HTX Hợp Tiến được thuê. Hiện trạng đất đang tranh chấp, có nhiều diện tích hình thành vườn cà phê, tiêu, bơ, mít có tuổi đời từ 1-10 tuổi. Nhiều diện tích đang trồng cây ngắn ngày, một số diện tích đất để trống...

Dù đã 12 tháng nhận đất, hiện ranh giới sử dụng đất của HTX Hợp Tiến vẫn chưa rõ ràng, không có mốc giới, trên thực địa không xác định được ranh giới cụ thể. Trước thời điểm UBND tỉnh cho thuê đất, 133 hộ dân gửi đơn kiến nghị giải quyết tranh chấp đất vượt cấp đến Thanh tra Chính Phủ và nhiều cơ quan khác nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thêm nhiều chủ rừng để mất rừng, đất rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO