Rừng thông phòng hộ cảnh quan dọc quốc lộ 14 vẫn bị “bức tử”

Đức Hùng| 05/06/2019 09:28

Dù đã được giao khoán cho các hộ dân quản lý, bảo vệ nhưng tình trạng nhiều cây thông thuộc rừng phòng hộ cảnh quan dọc quốc lộ 14 đoạn qua xã Nâm N’Jang, Trường Xuân (Đắk Song) bị ken chết vẫn diễn ra phức tạp.

ADQuảng cáo

Đi dọc quốc lộ 14 đoạn qua địa bàn huyện Đắk Song thời gian này dễ dàng bắt gặp những đám thông bị khô lá, chết đứng. Các cây thông chết thường ở những khu vực đất có địa thế đẹp, trước nhà dân hay vùng giáp ranh với diện tích đất vườn, rẫy của người dân xung quanh.

Nhiều khu vực thông thuộc rừng phòng hộ cảnh quan dọc quốc lộ 14 đoạn qua xã Nâm N'Jang (Đắk Song) đang bị đầu độc, chết

Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Song, tính từ đầu năm 2018 đến nay, đơn vị đã kiểm đếm được khoảng 2.000 cây thông chết do bị ken, đổ thuốc. Tình trạng ken cây diễn ra phức tạp, nhất là vào dịp cuối năm 2018. Mục đích của việc ken, đầu độc thông chủ yếu là lấy đất sản xuất, chiếm không gian để buôn bán, mở các dịch vụ. Việc cơ quan chức năng không phát hiện ra thủ phạm ken cây khiến cho tình trạng thông chết đứng dọc quốc lộ 14 liên tiếp diễn ra.

Trước tình trạng trên, Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Song phối hợp với công an huyện, chính quyền địa phương đã tiến hành điều tra, xác minh các điểm thông chết. Dù toàn bộ số cây thông bị chết đều nằm trong diện tích đã được giao khoán quản lý, bảo vệ nhưng các hộ dân nhận khoán đã không phát hiện được đối tượng vi phạm và không báo cho đơn vị chức năng để kịp thời xử lý. Để phần nào ngăn chặn tình trạng thông chết đang diễn ra, huyện Đắk Song đã ban hành 23 quyết định thu hồi toàn bộ diện tích các hộ nhận khoán nhưng để xảy ra tình trạng thông chết.

ADQuảng cáo

Theo Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Song, từ khi cây thông bị ken cho đến khi có biểu hiện vàng, khô lá mất khoảng 3-4 tháng, nên khi phát hiện gần như không còn manh mối, khiến việc xử lý ngày càng khó khăn hơn. Cùng với đó, các hợp đồng giao khoán cũng chưa có chế tài xử lý việc để thông chết khi không tìm ra đối tượng phá hoại. Trong khi đó, một số trường hợp nhận khoán không đúng đối tượng, hoặc không quan tâm đến công tác quản lý, bảo vệ diện tích thông được giao khoán khiến cho tình trạng rừng thông bị phá vẫn liên tiếp diễn ra.

Người dân lấn chiếm rừng thông, lấy không gian mở dịch vụ dọc quốc lộ 14 đoạn qua xã Nâm N'Jang

Bên cạnh đó, trước đây việc giao khoán rừng thông cho các hộ dân có đất ở, vườn, rẫy liền kề nhằm có thêm thuận lợi trong công tác quản lý, bảo vệ. Tuy nhiên, hiện nay, kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với diện tích rừng thông chỉ 400.000 đồng/ha/năm. Nhiều hộ dân nhận giao khoán bảo vệ cũng chỉ khoảng 1 ha/hộ, nên thu nhập chẳng bõ bèn vào đâu. Trong khi đó, đất mặt tiền dọc quốc lộ 14 giá cao, các dịch vụ mở ra, buôn bán làm ăn được nên càng tạo sức ép, khiến rừng thông bị phá, đất rừng bị lấn chiếm.

Hiện nay, Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Song đang đề xuất với huyện thu hồi diện tích rừng thông do các hộ dân nhận khoán mà quản lý, bảo vệ không hiệu quả. Sau đó, số diện tích này cũng sẽ bàn giao cho các hộ dân nhận khoán khác quản lý, bảo vệ hiệu quả nhằm phần nào hạn chế tình trạng rừng thông bị phá, lấn chiếm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rừng thông phòng hộ cảnh quan dọc quốc lộ 14 vẫn bị “bức tử”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO