Rừng thông ở Đắk Glong liên tục bị đầu độc

Lê Phước| 11/11/2020 09:05

Hàng chục ha rừng thông dọc quốc lộ 28 (QL28), đoạn qua huyện Đắk Glong đã bị đầu độc chết trong thời gian qua. Thế nhưng, số vụ việc phá rừng được điều tra, xử lý còn rất ít. Việc xử lý các đối tượng phá rừng chưa triệt để.

ADQuảng cáo

Những vạt rừng thông bị chết

Dọc QL28 đoạn qua xã Đắk Ha, không khó để thấy những vạt thông dài vàng lá, đang chết dần chết mòn. Tại tiểu khu 1686 và 1697 vô số cây thông lớn, hàng chục năm tuổi héo úa, chết đứng. Nhiều cây thông nhỏ bị mục rỗng, đổ gục xuống. Nhiều thân cây thông vẫn còn, nhưng bị những vết lỗ khoan tròn, sâu vào bên trong.

Rừng thông dọc QL28, đoạn đi qua xã Đắk Ha (Đắk Glong) chết đứng do bị đầu độc

Tại đoạn QL28 đi qua xã Quảng Sơn, thông không chỉ chết từng vạt dài ven đường mà còn sâu và rộng vào phía bên trong. Đi vào sâu bên trong, nhiều diện tích rừng thông gãy đổ, nằm la liệt. Nhiều thân cây bị cưa ngang, đốt cháy.

Theo UBND xã Quảng Sơn, những năm gần đây, tình trạng ken, đầu độc rừng thông dọc QL28, đoạn đi qua địa bàn xã diễn biến hết sức phức tạp. Địa phương ước tính, có hàng ngàn cây thông, diện tích hàng chục ha dọc QL28 bị đầu độc.

Hiện phần lớn rừng thông dọc QL28 thuộc sự quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn. UBND xã Quảng Sơn quản lý một phần. Mặc dù các đơn vị chủ rừng đã quyết liệt triển khai các biện pháp quản lý, bảo vệ, nhưng tình trạng ken thông để lấn chiếm đất vẫn diễn ra thường xuyên.

Về nguyên nhân, theo lãnh đạo UBND xã Quảng Sơn, rừng thông trên địa bàn nằm phân tán, manh mún, đan xen, tiếp giáp với khu dân cư và rẫy, vườn của người dân. Trong khi đó, giá trị về đất, đặc biệt là đất mặt tiền QL28 tăng cao. Các đối tượng phá rừng tìm cách móc nối với các hộ gia đình có đất tiếp giáp với rừng thông để hủy hoại rừng, lấn chiếm đất mặt đường QL28.

Thông bị đầu độc, hủy hoại dọc QL28, đoạn đi qua xã Quảng Sơn (Đắk Glong)

Các hành vi phá rừng ngày càng tinh vi như sử dụng cưa, khoan điện nhỏ gọn, ít tiếng ồn và sử dụng hóa chất đổ trực tiếp vào các lỗ khoan. Hóa chất ngấm vào thân cây khiến thông héo dần rồi từ từ chết.

ADQuảng cáo

Qua thống kê mới nhất, vào tháng 10/2020, UBND huyện Đắk Glong xác định tổng diện tích rừng thông dọc QL28 bị tàn phá hơn 72 ha (xã Đắk Ha gần 21 ha và xã Quảng Sơn hơn 51 ha). Hiện nay đã có hơn 4.800 cây thông trên diện tích gần 42 ha (gồm hơn 6 ha tại xã Đắk Ha và hơn 35 ha tại xã Quảng Sơn) bị ken, đầu độc chết.

Phát hiện ít, xử lý chậm

Theo lãnh đạo UBND huyện Đắk Glong, số vụ việc và số đối tượng bị xử lý vì phá rừng thông dọc QL28 thời gian qua còn rất ít. Công tác xử lý vi phạm phá rừng thông chưa kịp thời. Khi phát hiện hành vi vi phạm, việc xác minh, điều tra, lập hồ sơ xử lý, đặc biệt là một số đối tượng đầu nậu buôn bán đất rừng, lâm sản trái phép còn chậm, chưa được xử lý nghiêm về mặt hình sự.

Dấu vết khoan vào thân cây để đổ hóa chất vào khiến thông từ từ chết

Từ năm 2010 - 2015, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đắk Glong đã khởi tố 4 vụ án hủy hoại rừng thông. Thế nhưng, quá trình điều tra lại không phát hiện được đối tượng vi phạm, nên đã tạm đình chỉ vụ án theo quy định.

Giai đoạn từ năm 2018 đến tháng 10/2020, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đắk Glong đã khởi tố 2 vụ án hủy hoại rừng thông, khởi tố 4 đối tượng có liên quan. Đến nay, các vụ việc này vẫn đang trong quá trình điều tra, xử lý.

Ngoài ra, có 4 vụ hủy hoại rừng thông với hơn 2.200 cây thông bị đầu độc, ken chết cũng đang được cơ quan công an điều tra, xác minh. Công an Đắk Glong đã lập 2 chuyên án đấu tranh với các đối tượng hủy hoại rừng thông dọc QL28 vào năm 2015 và năm 2019. Hiện 1 chuyên án vẫn đang được triển khai.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong Nguyễn Văn Hợp, thời gian qua, Công an huyện Đắk Glong đã tập trung lực lượng thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh với các đối tượng hủy hoại rừng thông. “Bước đầu, cơ quan công an đã điều tra, khởi tố 4 vụ án, 4 bị can và bắt quả tang 5 đối tượng hủy hoại rừng thông. Nhìn chung, các đối tượng bị điều tra, khởi tố còn ít. Các vụ án thường kéo dài, chậm đưa ra xét xử”, ông Hợp thông tin.

Từ năm 2010 đến tháng 10/2020, trên địa bàn  Đắk Glong đã có 65 đảng viên, cán bộ, công chức, người lao động bị xử lý kỷ luật do để xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép nhưng không phát hiện kịp thời.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rừng thông ở Đắk Glong liên tục bị đầu độc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO