Phòng chống cháy rừng mùa khô 2015-2016: Không chủ quan, lơ là

Hà An| 16/02/2016 09:50

Với những diễn biến bất thường về thời tiết, nhất là tình trạng nắng nóng cục bộ kéo dài do hiện tượng El Nino gây ra, trong mùa khô 2015-2016, công tác phòng, chống cháy rừng (PCCR) dự báo sẽ có những khó khăn, phức tạp.

ADQuảng cáo

Đốt dọn thực bì nhằm làm giảm vật liệu cháy

CHỦ ĐỘNG CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA

Để triển khai hiệu quả công tác PCCR, ngay từ đầu mùa khô 2015-2016, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh củng cố lại Ban Chỉ huy PCCR để nâng cao năng lực tham mưu, kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị chức năng về lĩnh vực này; đồng thời sớm xây dựng phương án PCCR trình UBND tỉnh phê duyệt.

Trên cơ sở đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị chủ rừng sớm xây dựng phương án để phê duyệt, triển khai thực hiện các biện pháp PCCR tại đơn vị mình. Trong phương án PCCR, ngoài việc xây dựng kịch bản để ứng phó với những tình huống cấp bách khi cháy rừng xảy ra, các đơn vị chủ rừng chú trọng đến những biện pháp phòng, chống, xem đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu để hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng có thể xảy ra. Theo phương án PCCR của các đơn vị đã được phê duyệt, trong mùa khô năm 2015-2016, 24 đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh đã và sẽ triển khai khoảng 80 đợt tuyên truyền cao điểm về PCCR bằng các hình thức như họp dân, tuyên truyền lưu động, tuyên truyền trên loa phát thanh…

Bên cạnh đó, các đơn vị sẽ tổ chức cho khoảng 3.565 hộ dân sống gần rừng ký cam kết cùng chính quyền, đơn vị chủ rừng chung tay quản lý, bảo vệ, PCCR. Để chủ động ứng phó với những tình huống cấp bách khi cháy rừng xảy ra, toàn tỉnh đã tổ chức 12 đợt tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng trực tiếp quản lý, bảo vệ rừng. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, người dân trong PCCR đã từng bước được nâng cao.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, đến nay, các đơn vị chủ rừng đã cơ bản hoàn tất việc xây dựng các công trình PCCR như đặt 1.151 biển cấm lửa, 402 biển nội quy, 13 bảng cấp dự báo cháy rừng và xây dựng 5 chòi canh… Ngoài ra, các đơn vị cũng tổ chức tập huấn nghiệp vụ, mua sắm các dụng cụ dập lửa và sẵn sàng các vật tư, nguồn nhân lực, bảo đảm phương án “4 tại chỗ” để ứng phó khi có cháy rừng xảy ra.

ADQuảng cáo

HẠN CHẾ THẤP NHẤT CÁC VỤ CHÁY RỪNG XẢY RA

Qua đánh giá, rà soát của Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho thấy, mùa khô 2015-2016, toàn tỉnh có khoảng hơn 126.048 ha rừng nằm trong quy hoạch trọng điểm rừng dễ cháy, trong đó, rừng tự nhiên có hơn 58.161 ha, rừng trồng các loại 40.500 ha và trảng cỏ, cây bụi là hơn 27.386 ha.

Cụ thể, theo báo cáo của các đơn vị chủ rừng thì các khu vực dễ xảy ra cháy gồm: Rừng vành đai biên dưới Thác Mơ (Tuy Đức); khu vực thôn Đắk Lép, xã Nâm N’Jang (Đắk Song) thuộc rừng cảnh quan dọc quốc lộ 14; rừng khộp ở Đắk Mil, Đắk Wil (Chư Jút); rừng trồng ở các huyện Đắk Glong, Krông Nô…

Theo ông Nguyễn Ngọc Tài, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh thì theo dự báo nguy cơ cấp cháy rừng, đến thời điểm hiện nay, Đắk Nông đang ở cấp 4, cấp nguy hiểm về cháy rừng. Mặc dù chưa ở cấp “cực kỳ nguy hiểm” nhưng với những diễn biến phức tạp từ thời tiết, một số khu vực rừng nhạy cảm dễ cháy như rừng thông, rừng khộp mùa rụng lá thì công tác PCCR không thể chủ quan, lơ là. Chính vì vậy, Chi cục đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, cũng như đôn đốc các địa phương, đơn vị chủ rừng tăng cường công tác phối kết hợp để triển khai kịp thời, nghiêm túc phương án đã phê duyệt.

Đến nay, Chi cục đã tiến hành kiểm tra được 20/24 đơn vị chủ rừng về thực hiện phương án PCCR. Qua kiểm tra cho thấy, các đơn vị cơ bản đã triển khai đồng bộ, nghiêm túc các giải pháp, biện pháp phòng, chống theo đúng phương án. Các diện tích rừng dễ xảy ra cháy đã được phát dọn thực bì, giảm vật liệu cháy, xây dựng đường băng cản lửa đúng kỹ thuật quy định.

Mặt khác, tùy vào tình hình thực tiễn, các đơn vị chủ rừng đã chủ động hợp đồng lao động thời vụ trong mùa khô để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, sẵn sàng về mặt phương tiện, con người để khống chế kịp thời ngọn lửa khi cháy rừng xảy ra. Mặt khác, Chi cục đã chỉ đạo, quán triệt các bộ phận chuyên môn và đơn vị chủ rừng cắt cử người trực 24/24 để theo dõi diễn biến dự báo cấp độ cháy rừng từng khu vực, cũng như các tín hiệu, báo cáo những điểm xảy ra cháy rừng để kịp thời triển khai phương án ứng phó, nỗ lực hạn chế thấp nhất các vụ cháy rừng có thể xảy ra.

Qua thực tế cho thấy, mùa khô cũng là dịp cao điểm về hoạt động phát dọn, đốt thực bì để làm nương rẫy của người dân. Đây cũng là dịp để một số đối tượng lợi dụng thời tiết hanh khô đốt rừng chiếm đất. Vì vậy, ngoài việc giám sát thường xuyên hoạt động này, các địa phương, đơn vị chủ rừng cũng cần tăng cường công tác phối hợp, tuyên truyền và ngăn chặn kịp thời những hoạt động dễ dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy rừng, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng chống cháy rừng mùa khô 2015-2016: Không chủ quan, lơ là
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO