Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020: Hướng đến mục tiêu khai thác lợi thế ngành lâm nghiệp

Bài, ảnh: Đức Hùng| 20/11/2018 09:50

Giai đoạn 2018 - 2020, tỉnh đặt mục tiêu trồng mới 4.034 ha rừng, khoanh nuôi tái sinh khoảng 2.023 ha rừng. Phấn đấu đến năm 2020, nâng độ che phủ rừng toàn tỉnh lên 42%.

ADQuảng cáo

Cụ thể, trong giai đoạn 2018 - 2020, toàn tỉnh phấn đấu thực hiện giao khoán, bảo vệ hiệu quả khoảng 124.595 ha rừng cho các địa phương, hộ gia đình, cộng đồng; khoán bảo vệ 92.332 ha rừng ở các xã khó khăn; hỗ trợ bảo vệ diện tích rừng đặc dụng 271.741 ha; hỗ trợ bảo vệ rừng vùng đệm theo Quyết định 38/2016/QĐ-TTg với khoảng 15.438 ha cho 75 hộ; hỗ trợ 467 ha diện tích rừng tự nhiên do UBND các xã quản lý không thực hiện giao khoán quản lý bảo vệ rừng… Tổng kinh phí thực hiện cho giai đoạn này là hơn 633 tỷ đồng từ nguồn vốn nhà nước, nguồn vốn tín dụng và nguồn vốn hợp pháp khác.

Tổ bảo vệ rừng cộng đồng bon R'Bút, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) đi tuần tra rừng

Sau 2 năm triển khai Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Đắk Nông đã đạt được những kết quả bước đầu. Trước hết phải kể đến công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) bước đầu đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, thu hút được nhiều đối tượng tham gia.

Qua đó diện tích rừng sản xuất, khoanh nuôi tái sinh hằng năm tăng thông qua thực hiện chính sách giao đất, giao rừng, triển khai các dự án trồng rừng, khuyến khích các thành phần kinh tế trồng và phát triển rừng. Trung bình mỗi năm, người dân và các thành phần kinh tế trồng mới trên 1.530 ha rừng, khoanh nuôi 100 ha rừng.

ADQuảng cáo

Chỉ tính riêng năm 2018, toàn tỉnh trồng được 1.564 ha/1.834 ha rừng và khoanh nuôi, tái sinh rừng được 100 ha và tập trung  chăm sóc khoảng 4.000 ha diện tích rừng trồng giai đoạn 2015 – 2017. Nhìn chung, công tác trồng, chăm sóc, quản lý rừng trồng những năm gần đây đang có chuyển biến theo hướng thực chất, hiệu quả. Tỷ lệ rừng trồng sau nghiệm thu thành rừng đạt từ 80 đến 85%.

Đặc biệt, từ thực tiễn công tác trồng rừng, ngoài mở rộng diện tích trồng rừng trên cạn, ngành lâm nghiệp tỉnh cũng đã mở rộng diện tích rừng trồng bán ngập ở các hồ thủy điện, góp phần tăng độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được thực hiện hiệu quả đã và đang góp phần quan trọng trong việc tạo sinh kế, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phát triển rừng.

Theo đánh giá hiện trạng sử dụng đất tỉnh Đắk Nông năm 2017, tổng diện tích tự nhiên của tỉnh là 650.927 ha trong đó diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng là 329.330 ha gồm: Rừng đặc dụng 41.018 ha, phòng hộ 62.086 ha; sản xuất 192.880 ha; diện tích ngoài quy hoạch 3 loại rừng 33.344 ha; tỷ lệ độ che phủ rừng toàn tỉnh 39,42%.

Về công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng đã có sự chuyển biến, số vụ vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng thời gian gần đây đang có chiều hướng giảm. Tính từ đầu năm 2018 đến hết tháng 10/2018 số vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và vận chuyển lâm sản trái pháp luật trên địa bàn tỉnh là 820 vụ,  giảm 126 vụ so với cùng kỳ năm 2017. Không chỉ giảm về số vụ, diện tích rừng bị thiệt hại cũng giảm trên 30% so với cùng kỳ.

Kết quả trên tạo điều kiện đến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu tạo ra những chuyến biến mới trong phát triển lâm nghiệp, từng bước tăng tỷ lệ phục hồi và phát triển rừng, nâng cao chất lượng và hiệu quả rừng trồng, hạn chế nạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác gỗ trái phép. Ngoài ra, tỉnh cũng đang hướng tới mục tiêu khai thác tiềm năng và lợi thế của ngành lâm nghiệp cho phát triển bền vững để đóng góp tương xứng vào sự phát triển kinh tế, xã hội cũng như vai trò phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020: Hướng đến mục tiêu khai thác lợi thế ngành lâm nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO