Nhiều áp lực lên Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung

Đỗ Công| 05/12/2013 09:26

Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Nam Nung hiện đang chịu nhiều tác động bất lợi bởi những khu rừng vùng giáp ranh bị xâm hại, trong khi lực lượng quản lý, bảo vệ lại mỏng.

ADQuảng cáo

Khu BTTN Nam Nung có tổng diện tích tự nhiên hơn 12.300 ha, trong đó 12.100 ha đất rừng tự nhiên, nằm trên địa bàn các xã Nâm Nung, Nâm N’đir, Đức Xuyên (Krông Nô), Quảng Sơn (Đắk Glong), Đắk Hòa (Đắk Song) và được chia thành 12 tiểu khu với nhiều hệ động, thực vật quý hiếm.

Nhiều diện tích đất, rừng của các công ty lâm nghiệp sát Khu Bảo tồn giờ chỉ toàn là nương rẫy

Trăm lối vào rừng

Đến điểm giáp ranh giữa Khu BTTN Nam Nung với lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV Nam Nung, trên địa bàn xã Nâm N’đir đã thấy rẫy, nhà dân áp sát rừng đặc dụng. Dọc con suối Đắk Rí, rừng ở phần đất của công ty lâm nghiệp đã phải nhường chỗ cho cà phê, hồ tiêu xanh tốt. Xuống sát mép suối, dưới những vùng đất thấp, người dân đã trồng đậu, ngô xanh tốt. “May mắn là có con suối ngăn cách khu rừng đặc dụng, chứ nếu không, người dân ra vào nơi đây rất dễ dàng”, ông Huỳnh Công Cẩn, Giám đốc Khu BTTN Nam Nung nói.

ADQuảng cáo

Tuy nhiên, bất chấp là có con suối Đắk Rí ngăn cách, ở nhiều điểm, người dân còn làm cầu vững chắc để đi vào rừng. Cũng ở đây, ngay khi thấy xuất hiện một chiếc xe máy cày chở một tốp người, các kiểm lâm viên của Khu bảo tồn đã yêu cầu chiếc xe ra khỏi khu rừng, cho dù người điều khiển phương tiện lý giải, bà con đi tìm củi?!. Các kiểm lâm viên cho rằng, ở đây mọi người chỉ cần bước ra khỏi nhà là đầy củi rồi, chứ không nhất thiết phải vào rừng đặc dụng. Từ tiểu khu 1297 đến tiểu khu 1303, hay xuống xã Đức Xuyên, rồi vòng về xã Đắk Hòa thì nhiều nơi, đường sá đã áp sát bìa rừng.

Nhìn cảnh trơ trọi của các khu rừng sản xuất bao quanh Khu BTTN Nam Nung, ông Cẩn không khỏi lo lắng: “Đến nay, nhiều diện tích rừng sản xuất giống như “áo giáp” bảo vệ đã không còn nên khu rừng đặc dụng này rất dễ bị những tác động bất lợi. Cũng vì có hàng trăm lối mòn vào rừng, nên đã tạo áp lực lên khu rừng đặc dụng rất lớn... Điển hình như mấy tháng trước, tại tiểu khu 1303 đã có hàng chục người dân dễ dàng vào rừng, với lý do… lấy đất sản xuất. Trước sự việc này, đơn vị đã đề xuất cấp trên để xây dựng trạm quản lý bảo vệ rừng ở tiểu khu 1297 và ngăn cấm không cho người lạ vào rừng”.

Người giữ chẳng bao nhiêu

Đứng chân tại khu vực rừng thường xuyên có nguy cơ bị xâm hại cao, anh Ngân Văn Thảo, Phó Trạm quản lý bảo vệ rừng xã Nâm N'đir, thuộc Khu BTTN Nam Nung cho biết: “Rất may, thời gian qua, cơ quan đã tăng cường thêm lực lượng hợp đồng hỗ trợ cùng với anh em kiểm lâm chuyên trách. Chứ nếu không, chỉ vài cán bộ kiểm lâm ở trạm này thì phải tuần tra rừng liên tục và không biết khi nào mới có thời gian rảnh để về nhà”.

Mặc dù Khu BTTN Nam Nung có tổng diện tích hơn 12.000 ha rừng, nhưng đến nay đơn vị này mới có 12 cán bộ kiểm lâm. Trong khi theo quy định, cứ 500 ha rừng đặc dụng có một kiểm lâm viên thì ở đây, phải 1.000 ha mới có một người. Cũng theo ông Huỳnh Công Cẩn, chính vì số lượng kiểm lâm viên hạn chế nên đơn vị không thể bố trí lực lượng chia thành nhiều trạm để quản lý ở khu vực xung yếu như xã Đắk Hòa được. Còn để hợp đồng thêm lực lượng bảo vệ rừng, cố lắm cũng chỉ được một vài người. Ngay đến việc dời trạm quản lý rừng ở vùng khó khăn nhất là xã Nâm N’đir (đã ở cách quá xa khu rừng) vào gần với bìa rừng cũng đã là một bài toán khó rồi. Vì vậy, với việc nhiều diện tích rừng sản xuất của các “chủ rừng” đã bị xâm hại thì Khu Bảo tồn cần phải xây dựng trạm quản lý rừng kiên cố ở gần bìa rừng, cũng như có thêm biên chế thì mới có thể đảm đương được công tác quản lý, bảo vệ rừng…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều áp lực lên Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO