Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng: Triển khai giải pháp bảo tồn, phát triển rừng bền vững

Văn Tâm| 10/07/2014 08:59

Hiện nay, do diện tích quản lý bảo vệ rừng của Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Tà Đùng rộng, áp lực dân cư lớn, nhu cầu bảo tồn, đa dạng sinh thái khá cấp bách nên UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 790/QĐ-UBND về phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển rừng bền vững khu vực này đến năm 2020. Hiện nay, đơn vị đã triển khai các giải pháp bảo tồn, phát triển rừng bền vững.

ADQuảng cáo

Theo đó, mục tiêu, nhiệm vụ trước mắt của đơn vị là triển khai các biện pháp quản lý, bảo tồn, phát triển, sử dụng bền vững tài nguyên rừng nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan, bảo tồn các nguồn gen quý hiếm, đa dạng sinh học, tăng cường vật chất kỹ thuật phục vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với phát triển kinh tế-xã hội tại địa bàn đứng chân.

Qua đó, đơn vị đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhu cầu nghiên cứu khoa học, đào tạo và du lịch sinh thái cũng như bảo tồn các mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng kín thường xanh, mưa ẩm á nhiệt đới và các loài động thực vật đặc hữu, quý hiếm hiện có.

Theo ông Dương Bá Tiến, Phó Giám đốc Khu BTTN Tà Đùng thì thực hiện nhiệm vụ được giao, đơn vị sẽ tiếp tục đã khảo sát, xác định ranh giới khu bảo tồn, các phân khu chức năng để đáp ứng mục tiêu bảo tồn và phát triển rừng bền vững đến năm 2020.

Cụ thể, đơn vị sẽ thực hiện rà soát ranh giới, đưa ra khỏi Khu BTTN Tà Đùng trên 2.000 ha đất rừng tại 8 tiểu khu. Đồng thời, đơn vị sẽ mở rộng về phía Tây Bắc Khu BTTN Tà Đùng hơn 947 ha, tại 2 tiểu khu thuộc lâm phần quản lý của Viện Khoa học kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Nam Tây nguyên.

Như vậy, tổng diện tích tự nhiên quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững của khu bảo tồn đến năm 2020 là trên 20.000 ha, tại 25 tiểu khu thuộc địa giới hành chính của xã Đắk Som (Đắk Glong). Trong đó, đất lâm nghiệp có trên 15.431 ha, đất mặt nước hơn 3.431, đất khác 1.379 ha.

Các phân khu chức năng được bố trí như phân khu bảo vệ nghiêm ngặt với diện tích trên 5.980 ha, phân khu sinh thái 9.742 ha, phân khu dịch vụ hành chính 4.514 ha. Ngoài ra, việc quy hoạch các công trình hạ tầng, đầu tư phát triển vùng đệm cũng được cho phép bố trí trên 24.582 ha, gồm 7 xã của 2 tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng để đơn vị quy hoạch phát triển du lịch, dịch vụ và giáo dục môi trường và quy hoạch chuyển loại khu bảo tồn thành vườn quốc gia.

ADQuảng cáo

Để triển khai hiệu quả các mục tiêu đề ra, Khu BTTN Tà Đùng đã và đang thực hiện nhiều giải pháp tích cực. Trong đó, ngoài việc kiện toàn bộ máy điều hành, quản lý thì đơn vị cũng chuẩn bị khá kỹ lưỡng các giải pháp về vốn, đất đai, thực hiện quy hoạch và giám sát đánh giá…

Đáng chú ý là đối với chính sách đầu tư, ngoài các dự án phát triển rừng đặc dụng theo quy hoạch được hưởng mức ưu đãi cao nhất theo quy định hiện hành của Nhà nước thì đơn vị còn đẩy mạnh việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Việc áp dụng các mô hình liên doanh, liên kết, cho thuê môi trường rừng để khai thác tiềm năng du lịch, phục vụ nhu cầu về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, tạo ra phương thức, nguồn thu mới để bảo đảm cơ bản các hoạt động sự nghiệp quản lý, bảo vệ rừng.

Bên cạnh đó, để áp dụng hiệu quả giải pháp về khoa học công nghệ, trong thời gian tới, đơn vị cũng sẽ ứng dụng các biện pháp kỹ thuật công nghệ về thông tin trong quản lý, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, hệ thống cảnh báo cháy rừng, thông tin liên lạc, quảng bá giá trị đa dạng sinh học, giá trị cảnh quan… của khu bảo tồn nhằm tăng cường, phát triển quan hệ quốc tế, tạo cơ hội tiếp cận các phương pháp quản lý tiên tiến trên thế giới và khu vực.

Trên cơ sở đó, các phòng chuyên môn của đơn vị ứng dụng công nghệ gen, công nghệ tế bào để gây giống cây rừng, nhân nuôi các loài động vật hoang dã, đặc biệt là các loại cây, con nguy cơ tuyệt chủng cao…

Cũng theo ông Dương Bá Tiến thì việc thực hiện chương trình bảo tồn và phát triển rừng bền vững đã và đang được đơn vị chú trọng vào các hoạt động trọng tâm như chương trình phục hồi hệ sinh thái, phát triển du lịch, dịch vụ, nghiên cứu, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, đầu tư phát triển vùng đệm…

Trong đó, khu bảo tồn sẽ ưu tiên đầu tư cho công tác bảo vệ, bảo tồn các loài động thực vật quí hiếm, thông qua hoạt động giám sát đa dạng sinh học, xây dựng trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật cũng như xây dựng các công trình phòng cháy, chữa cháy rừng…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng: Triển khai giải pháp bảo tồn, phát triển rừng bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO