Hiệu quả từ giao khoán rừng cho các nhóm hộ ở Quảng Trực

Hà An| 27/01/2016 09:41

Trong những ngày cuối năm này, người dân bon Bu Prăng, xã Quảng Trực (Tuy Đức) còn có thêm niềm vui khi được nhận tiền dịch vụ chi trả môi trường rừng năm 2015. Đây cũng là thành quả xứng đáng mà người dân được hưởng sau một năm chung sức cùng chính quyền, đơn vị chủ rừng quản lý, bảo vệ và phát triển tốt diện tích rừng nhận khoán.

ADQuảng cáo

Người dân bon Bu Prăng tuần tra, quản lý diện tích rừng nhận khoán

Thực hiện chủ trương giao khoán rừng theo nhóm hộ, đầu năm 2014, Ban Quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ, đóng chân trên địa bàn xã Quảng Trực đã tổ chức giao khoán rừng cho 16 nhóm với 281 hộ dân, xã đội Quảng Trực và Đồn Biên phòng 775 quản lý, bảo vệ.

Tổng diện tích rừng giao khoán là hơn 3.894 ha, trong đó, rừng thường xanh là hơn 3.786 ha, rừng gỗ thường xanh hỗn giao tre, nứa hơn 23 ha và gần 85 ha rừng trồng. So với hình thức giao khoán theo cộng đồng bon và hộ cá thể như trước đây, hình thức giao khoán nhóm hộ đã phát huy được vai trò tự chủ, ý thức trách nhiệm của người dân nhận khoán.

Ông Điểu Đắt, bon Bu Prăng 1, xã Quảng Trực cho biết: Từ ngày tôi và một số hộ dân trong bon thành lập nhóm, nhận rừng để quản lý, bảo vệ, công tác họp nhóm, triển khai nhiệm vụ tuần tra, chăm sóc rừng đã thuận tiện hơn. Mỗi tuần, trong nhóm cử 2 đến 3 hộ thay nhau tuần tra diện tích rừng nhận khoán để kịp thời phát hiện đối tượng phá, lấn chiếm rừng. Trong những dịp cao điểm như vào mùa khô hay dịp lễ tết, ngoài việc luân phiên cắt cử các hộ quản lý rừng thường xuyên thì tùy vào tình hình, cả nhóm sẽ tổ chức tuần tra, báo cáo tình hình với chủ rừng, cũng như chính quyền địa phương về phòng, chống cháy rừng và quản lý, bảo vệ rừng.

Thực tế cho thấy, việc tổ chức giao khoán rừng cho các nhóm hộ quản lý, bảo vệ, không chỉ san sẻ bớt công việc cho chủ rừng mà còn nâng cao hiệu quả cũng như góp phần tạo sinh kế cho người dân vùng đồng bào dân tộc tại chỗ trên địa bàn. Với đơn giá bình quân khoán gần 282.000 đồng/ha, mỗi hộ dân nhận khoán mỗi năm ít nhất cũng có thêm trên dưới 10 triệu đồng. Đây là kinh phí từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng.

ADQuảng cáo

Ông Điểu Long, cũng ở bon Bu Prăng 1 chia sẻ: “Ngoài việc làm nương rẫy, từ khi tham gia quản lý, bảo vệ rừng, bà con trong bon còn có thêm điều kiện để tham gia các hoạt động cộng đồng như hội họp, tham gia các buổi tuyên truyền liên quan đến rừng cũng như tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng. Khi tham gia nhận khoán, ý thức, trách nhiệm của tôi cũng như các gia đình trong bon về quản lý, bảo vệ rừng đã được nâng cao. Hơn thế, hàng năm,  tôi đã có thêm một khoản thu nhập để trang trải chi tiêu, mua sắm trong gia đình”.

Người dân nhận khoán phối hợp với cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ định vị diện tích rừng để kiểm tra thực địa

Bằng những cam kết, quy chế giao khoán chặt chẽ, rõ ràng, từ việc quyền lợi của người tham gia giữ rừng được đáp ứng, ý thức, trách nhiệm của người dân cũng đã được tăng cường. Chính vì vậy, mặc dù diện tích rừng khá lớn nhưng thời gian qua, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng thuộc diện tích giao khoán cho các nhóm hộ gần như không xảy ra.

Theo kết quả nghiệm thu rừng năm 2015 thì 16 nhóm hộ được Ban Quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ giao khoán đều quản lý tốt diện tích rừng được giao. Từ đây, 100% diện tích rừng giao khoán cho các hộ dân đều được quyết toán kinh phí theo quy định.

Theo ông Lê Hữu Thành, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ thì với việc giao khoán rừng cho các nhóm hộ, không chỉ công tác quản lý, bảo vệ rừng được nâng cao mà còn đẩy mạnh được hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho cộng đồng trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Bởi vì, mỗi hộ nhận khoán đã trở thành những hạt nhân trong chấp hành quy định pháp luật liên quan đến rừng. Từ đây, các hộ sẽ vận động người thân cùng chung sức để quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng trên địa bàn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả từ giao khoán rừng cho các nhóm hộ ở Quảng Trực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO