Giữ rừng và phát triển rừng vẫn ở thế khó

Đức Hùng| 01/09/2019 07:55

Thời gian qua, công tác bảo vệ rừng và phát triển rừng đã được triển khai nhiều giải pháp nhưng vẫn còn gặp khó khăn và hiệu quả chưa cao.

ADQuảng cáo

Khu rừng trồng tại xã Quảng Khê (Đắk Glong)

Hiệu quả giữ rừng vẫn chưa cao

Tính đến đầu năm 2019, diện tích đất có rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông 255.056 ha, đất chưa có rừng quy hoạch phát triển rừng 76.699 ha. Tỷ lệ độ che phủ rừng năm 2018 là 39,15%, giảm 0,27% so với năm 2017.

Để nâng độ che phủ rừng lên 39,3% vào năm 2019, nhiệm vụ của ngành lâm nghiệp là phải giữ nguyên rừng hiện có, phát triển rừng hiệu quả. Tuy nhiên thực tế hiện nay, tình hình phá rừng vẫn diễn biến phức tạp, trong khi việc phát triển rừng còn đạt thấp, hầu như năm nào cũng không hoàn thành chỉ tiêu về độ che phủ rừng.

Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác và mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra và diễn biến phức tạp. Phá rừng đang tập trung tại các huyện như Đắk Glong, Đắk Song, Tuy Đức... Đối tượng phá rừng chủ yếu là dân di cư tự do, với mục đích phá rừng để lấn chiếm đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp. Chính vì thế, công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh thời gian tới vẫn gặp nhiều khó khăn.

Trồng rừng gặp khó

ADQuảng cáo

Năm 2018, toàn tỉnh trồng được 1.630 ha, chỉ đạt 89% so với chỉ tiêu kế hoạch do HĐND tỉnh thông qua. Tại một số địa phương, đơn vị, việc thực hiện trồng rừng còn đạt kết quả rất thấp. Đơn cử như huyện Đắk Song, năm 2018, toàn huyện chỉ trồng mới được 55,7 ha rừng, đạt 79,5% chỉ tiêu đề ra.

Còn tại Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đức Hòa, năm 2018, đơn vị này nhận trồng 10 ha rừng, nhưng lại không thực hiện được. Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đắk N’tao cũng đăng ký trồng 15,8 ha rừng, nhưng chỉ trồng được 0,3 ha. UBND xã Nâm N’Jang (Đắk Song) đăng ký trồng 12,15 ha rừng, nhưng cũng chỉ trồng được 0,7ha...

Theo lý giải của một số đơn vị, sở dĩ việc trồng rừng đạt kết quả thấp trong thời gian qua là do phần lớn diện tích đất quy hoạch phát triển rừng đã bị người dân lấn chiếm để sản xuất nông nghiệp. Theo Quyết định số 1474/QĐ-UBND ngày 8/9/2017 của UBND tỉnh, tổng diện tích đất quy hoạch phát triển rừng là 65.273 ha. Toàn bộ diện tích đất này trên danh nghĩa đều do các công ty lâm nghiệp, các ban quản lý rừng phòng hộ và chính quyền các địa phương quản lý. Thế nhưng, trên thực tế, có gần 50% diện tích đất này lại đang do người dân chiếm dụng để sản xuất nông nghiệp trong những năm qua.

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ năm 2017 đến nay, các đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh đã lập biên bản xử lý 2.532 vụ vi phạm luật Bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó, có 1.274 vụ phá rừng trái pháp luật, thiệt hại gần 500 ha rừng; 140 vụ lấn chiếm đất rừng trái phép, với diện tích 63 ha; 203 vụ khai thác lâm sản trái quy định, với 687 m3 gỗ và 8 vụ vi phạm khác, thiệt hại gần 6 ha từng. Ở một số địa phương, tình trạng phá rừng đang có chiều hướng tăng. Đơn cử như huyện Đắk Glong, trong tháng 6 đầu năm 2019 phát hiện  23 vụ phá rừng gây thiệt hại hơn 7,8 ha rừng, tăng 4 vụ và 3 ha rừng so với cùng kỳ 2018. Còn tại huyện Tuy Đức, 6 tháng đầu năm 2019 có 25 vụ vi phạm pháp luật về tài nguyên rừng, gây thiệt hại 8,1 ha rừng, tăng 3 vụ và 2 ha rừng so với cùng kỳ năm ngoái...

Thời gian qua, nhiều đơn vị, tố chức, địa phương đã nỗ lực thu hồi, giải tỏa diện tích đất lâm nghiệp bị người dân chiếm dụng. Mặc dù vậy, công việc này vẫn chưa mang lại hiệu quả cao vì rất ít người dân chấp nhận trả lại đất cho các đơn vị. Mặt khác, việc tổ chức giải tỏa, thu hồi đất chịu khá nhiều tốn kém, nên nhiều cơ quan, đơn vị không đủ kinh phí để thực hiện. Từ những lý do này, hiện nay nhiều đơn vị, địa phương đã rơi vào cảnh thiếu quỹ đất để trồng rừng...

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, nhiệm vụ trước mắt là triển khai các giải pháp cấp bách để ngăn chặn tình trạng phá rừng và tập trung bảo vệ, phát triển rừng bền vững theo lộ trình đề ra. Cụ thể, ngoài việc tập trung, bảo vệ diện tích rừng hiện có, các cơ quan, đơn vị chức năng cần tập trung làm tốt công tác phát triển rừng trồng, rừng tập trung, rừng tái sinh và trồng rừng nông lâm kết hợp. Đối với diện tích đất lâm nghiệp bị người dân lấn chiếm, các cơ quan, đơn vị cần tăng cường tuyên tuyền, vận động, thực hiện các giải pháp để thu hồi nhằm phục vụ việc phát triển rừng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ rừng và phát triển rừng vẫn ở thế khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO