Giữ rừng cho thế hệ mai sau

Thanh Hằng| 25/05/2022 09:25

Đi dọc quốc lộ 14 đoạn qua xã Trường Xuân (Đắk Song), người dân và du khách ấn tượng bởi rặng thông xanh rì tại bon Păng Sim. Quản lý, bảo vệ cánh rừng thông ấy là vợ chồng ông Nguyễn Văn Kiệm và bà Phạm Thị Tuyết.

ADQuảng cáo

Tình yêu đặc biệt với rừng

Chuyện ông Kiệm và bà Tuyết giữ rừng thông có lẽ không còn xa lạ với người dân xã Trường Xuân. Khác biệt hẳn với những mảng rừng thông đã chết rũ do bị đầu độc, bức tử, khu rừng của vợ chồng ông Kiệm lại xanh tốt, căng tràn nhựa sống, trở thành điểm nhấn dọc tuyến quốc lộ 14 đoạn qua tỉnh Đắk Nông.

Ông Nguyễn Văn Kiệm từng là nhân viên của công ty chế biến lâm sản Gia Nghĩa. Sau khi nghỉ việc, ông cùng vợ con canh tác hơn 1 ha đất tại bon Păng Sim. Phía trước của khu đất rẫy này là rừng thông cảnh quan thuộc quản lý của UBND huyện Đắk Song.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Kiệm (bên trái) chia sẻ về công việc giữ rừng thông của mình

Chia sẻ về công việc của mình, ông Kiệm kể, hơn 30 năm trước, khi lần đầu tiên đặt chân đến vùng đất này, ông rất ấn tượng với những cánh rừng bạt ngàn mà hiếm nơi nào có được. Thế nhưng, đi cùng với sự phát triển và gia tăng dân số, diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp. Những cánh rừng thông dọc quốc lộ 14 cũng bị bức hại khi con đường được làm mới. Xót xa khi rừng thông hàng chục năm tuổi bị chặt hạ, ông Kiệm và vợ đã nhận chăm sóc, bảo vệ thông nơi gia đình sinh sống.

“Ban đầu, vợ chồng tôi nhận quản lý, bảo vệ và chăm sóc hơn 8,5 ha rừng. Đến năm 2015, gia đình được UBND huyện Đắk Song giao quản lý 3,5 ha tại tiểu khu 1709, thuộc xã Trường Xuân. Cũng từ ngày được Nhà nước giao đất, giao rừng, vợ chồng tôi dựng một chiếc lán nhỏ ngay tại nơi này để tiện trông coi, bảo vệ”, ông Kiệm cho hay.

Công việc hàng ngày của ông Kiệm là phát cỏ, chăm sóc thông non mới trồng

Nói về cánh rừng thông gắn bó nhiều năm nay, ông Kiệm kể, đây là số thông được trồng từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước, đến nay đã gần 40 năm tuổi. Ngoài thông chết do bệnh lý, tất cả những cây thông nằm trên diện tích đất của ông Kiệm chưa cây nào bị ken thuốc độc hoặc cắt hạ nhằm mục đích lấn chiếm. Những cây thông chết sẽ được thay thế ngay bằng thông con khi mùa mưa bắt đầu.

“Nhiều người hỏi vì sao lại chịu khổ, sống dưới những cánh rừng thông này, vợ chồng tôi chỉ cười và nói rằng, chúng tôi có một tình cảm đặc biệt với rừng. Sống dưới rừng, không những được thỏa mãn niềm vui của bản thân mà đó còn là cách mà vợ chồng tôi gìn giữ màu xanh cho thế hệ con cháu. Tôi chỉ mong rằng, vài năm nữa, khi những đứa trẻ trong nhà lớn lên, chúng vẫn biết rừng là gì và biết được cây thông như thế nào”, ông Kiệm tâm sự.

ADQuảng cáo

Những cây thông non được trồng thay thế khi một cây thông già ngã xuống

Nghe chồng nói, bà Phạm Thị Tuyết cũng hãnh diện khi đã góp một phần nhỏ đề bảo vệ cánh rừng thông. Bà Tuyết khoe, đã có hàng ngàn người đi qua dừng chân ở rừng thông để nghỉ ngơi, chụp ảnh và thư giãn sau quãng đường dài. Nhiều người khen ngợi khi nơi đây vẫn giữ được gần như nguyên vẹn vẻ đẹp của rừng thông, từ đó tạo ra một không gian xanh mát dọc tuyến quốc lộ 14.

Điểm nhấn trên quốc lộ 14

Theo bà Tuyết, hàng năm cứ vào mùa mưa, vợ chồng bà lại mua thông non về trồng dặm. Chỉ sau một năm, những cây thông này đã bén rễ, cao vổng lên đón nắng và dần lấp đầy khoảng trống do những cây chết để lại.

Rặng thông xanh rì thuộc khu vực do vợ chồng ông Kiệm quản lý, bảo vệ

“Ngày trước mỗi héc ta rừng, chúng tôi được hỗ trợ 2 triệu đồng/năm, nhưng từ năm 2015 trở lại đây, công giữ rừng chỉ 800.000 đồng/ha/năm. So với tiền cây giống, tiền chăm sóc, bảo vệ thì thực sự không thấm vào đâu, nhưng vợ chồng tôi vẫn cứ động viên nhau làm công việc này. Bây giờ ngoài thời gian làm rẫy, chúng tôi lại tranh thủ đi phát cỏ, trồng cây con để bảo vệ gần 1 km rừng thông dọc quốc lộ 14 này”, bà Tuyết chia sẻ thêm.

Rừng thông cảnh quan tạo một không gian xanh mát dọc tuyến quốc lộ 14

Dừng chân tại cánh rừng thông do vợ chồng ông Kiệm bảo vệ, chị Ka Vui (trú huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) vô cùng thích thú và ấn tượng với vẻ đẹp nơi đây. Chị Ka Vui cho biết, không chỉ Đắk Nông mà nơi chị sống cũng đang đối diện với nguy cơ mất rừng thông khi người dân phá thông để lấn chiếm đất dọc quốc lộ 28. Chính bởi vậy, giữ được rừng thông với diện tích lớn như này là một điều đáng quý và cần nhân rộng.

“Nhìn những gốc thông đã lớn hơn một vòng tay người ôm, chúng tôi cũng biết nó đã có tuổi đời hàng chục năm. Là du khách, chúng tôi rất mong muốn cánh rừng này sẽ mãi xanh tươi và trở thành điểm dừng chân lý tưởng khi đi qua tỉnh Đắk Nông”, chị Ka Vui nói.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ rừng cho thế hệ mai sau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO