Đồng bào tự nguyện tham gia bảo vệ rừng

Mỹ Hằng| 06/12/2016 09:26

Mới đây, có dịp cùng với cán bộ, nhân viên Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng thuộc xã Đắk Som (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) đi “thị sát” trong rừng, chúng tôi gặp hai ông K’Breo và K’Phương ở bon Bơ Nơr, xã Đắk Som đang đi tuần tra rừng. Hỏi chuyện, cả hai người đều cho biết, từ khi được giao khoán rừng, bà con ở các tổ đều thay phiên nhau đi canh gác hàng ngày như vậy, rất vui vì rừng vẫn còn rậm rạp, không bị phá nhiều..

ADQuảng cáo

Tổ nhận khoán bảo vệ rừng bon Bơ Dơng tuần tra rừng

Ông K’Breo cho biết: “Tôi tham gia nhận khoán bảo vệ rừng hơn chục năm rồi. Từ khi nhận giao khoán rừng, bà con được hỗ trợ về kinh phí, kỹ thuật nên gắn bó với rừng hơn. Ngày nào chưa vào rừng kiểm tra, chúng tôi cảm thấy khó chịu, như thiếu cái gì đó”.

Ông K’Phương cũng vui vẻ nói: “Tôi rất vui mỗi khi tới lượt đi tuần tra rừng, mỗi lần đi tuần từ khoảng 5 giờ sáng cho đến tận đêm khuya mới về. Vừa đi tuần vừa được cán bộ khu bảo tồn kể những câu chuyện về ý nghĩa của việc bảo vệ rừng, tôi càng cảm thấy thích nhiệm vụ cao cả này. Từ ngày nhận khoán rừng đến nay, bà con trong tổ chưa để rừng bị phá héc ta nào. Nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng, bà con có thêm thu nhập, nên phải có trách nhiệm giữ rừng chứ”.

Anh Trần Quang Vinh, kiểm lâm viên Trạm kiểm lâm số 2 Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng cho biết thêm: “Ý thức và tinh thần trách nhiệm của đồng bào dân tộc thiếu số ở đây rất cao, nên rất thuận lợi cho công tác bảo vệ rừng. Chúng tôi đã có giao ước với bà con là nếu đến lượt tổ nào mà tổ viên không đi tuần, hoặc có vi phạm thì toàn bon sẽ bị trừ tiền được nhận trong dịp cuối năm. Giao ước vậy thôi chứ bà con nơi đây luôn tự nguyện tham gia bảo vệ rừng”.

ADQuảng cáo

Theo ông Nguyễn Viết Ngọc, Phó Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng, hiện tại, đơn vị đang quản lý 20.338 ha rừng đặc dụng, chủ yếu nằm ở huyện Đắk Glong và huyện Đam Rông (Lâm Đồng). Từ nhiều năm nay, đơn vị đã tiến hành giao khoán gần 5.970 ha đất rừng cho 199 hộ dân ở các xã Ðắk Som, Ðắk P’lao (Ðắk Glong) và Ðạ Knàng, Phi Liêng (Ðam Rông) quản lý. Trung bình, mỗi người nhận khoán quản lý, bảo vệ 30 ha đất rừng. Bà con được chia làm 17 tổ, mỗi tổ 11 người hàng ngày thay phiên nhau đi tuần tra. Khi nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng, bà con được hỗ trợ về kinh phí, kỹ thuật, nên luôn gắn bó, có trách nhiệm với rừng.

Các thành viên dọn thực bì phòng cháy vào mùa khô

Qua tìm hiểu được biết, ngoài luân phiên đi tuần tra thường xuyên, các tổ cắt cử trực chốt 24/24 giờ tại các “điểm nóng” dễ xảy ra các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng, săn bắn động vật rừng trái phép…Việc cắt cử người  trực chốt, tuần tra bảo vệ rừng do tổ trưởng, tổ phó chịu trách nhiệm và dưới sự đôn đốc, giám sát của Trạm kiểm lâm.

Nếu rừng nhận khoán bị xâm hại thì tùy theo mức độ thiệt hại, các thành viên trong tổ phải bồi thường và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Vì thế, những năm gần đây, tình trạng khai thác, lấn chiếm đất rừng trái phép ở khu vực này rất ít. Ngoài việc bảo vệ diện tích rừng nhận khoán, các tổ còn tham gia tuần tra các khu vực khác, trong trường hợp có các vụ việc phức tạp xảy ra thì ngay lập tức báo cho cán bộ, nhân viên Khu bảo tồn triển khai các biện pháp xử lý kịp thời.

Ông Ngọc cho biết thêm, điều đáng ghi nhận ở đây là mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng được tuyên truyền, vận động, nhận thức của đồng bào về vấn đề quản lý, bảo vệ rừng ngày càng cao. Bà con cam kết, kể cả không có tiền hỗ trợ thì vẫn có trách nhiệm giữ rừng, vì rừng đã gắn bó với  cuộc sống của đồng bào từ bao đời nay.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng bào tự nguyện tham gia bảo vệ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO