Đôn đốc các đơn vị nộp tiền trồng rừng thay thế

Hà An| 20/10/2015 09:51

Theo Quyết định số 1310/QĐ-UBND, ngày 27/8/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt danh sách các chủ dự án thủy điện tự tổ chức trồng rừng và không tự tổ chức trồng rừng thay thế mà nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh (Quyết định 1310) thì trong năm 2015, toàn tỉnh có 6 chủ dự án thủy điện phải thực hiện nghĩa vụ tài chính để trồng rừng thay thế với tổng số tiền hơn 132 tỷ đồng.

ADQuảng cáo

Thời hạn nộp tiền được chia ra 2 đợt, kết thúc chậm nhất là đến ngày 15/9/2015. Mặc dù đã rất nỗ lực trong việc đôn đốc, phối hợp nhưng đến nay, do nhiều nguyên nhân mà số tiền thu được từ các chủ dự án chưa đạt 50% so với kế hoạch.  

Từ nguồn kinh phí thu dịch vụ môi trường rừng, trong năm 2015, Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng đã trồng mới được trên 80 ha rừng

Trong số 6 đơn vị đã nêu thì Công ty Thủy điện Đồng Nai (chủ đầu tư dự án các công trình thủy điện Đồng Nai 3 và 4) phải nộp số tiền nhiều nhất với gần 103 tỷ đồng để trồng hơn 2.753 ha rừng thay thế. Trong số đó, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch trồng hơn 1.379 ha rừng.

Do không có chuyên môn trồng rừng nên chủ đầu tư chỉ nhận trồng hơn 28 ha, số còn lại là nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh để thuê tổ chức, cá nhân trồng rừng. Đến nay, Công ty Thủy điện Đồng Nai mới nộp được hơn 51 tỷ đồng. Các chủ dự án khác trong danh sách nộp tiền theo Quyết định 1310 vẫn chưa có đơn vị nào hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

Cụ thể, đến nay, các đơn vị như Công ty Thủy điện Đắk R’tíh mới nộp hơn 3 tỷ đồng; Ban Quản lý Dự án Thủy điện Đồng Nai 5 nộp gần 3 tỷ đồng và Ban Quản lý Dự án thủy điện miền Trung nộp gần 800 triệu đồng. Những đơn vị còn lại hiện vẫn chưa nộp. Như vậy, mặc dù đã quá thời hạn nhưng đến nay, 6 đơn vị cũng mới chỉ nộp được tổng số tiền hơn 57/132 tỷ đồng, mới đạt hơn 43% so với kế hoạch.  

ADQuảng cáo

Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh thì sau khi có quyết định của UBND tỉnh phê duyệt về danh sách, số tiền của các chủ đầu tư đã nêu, đơn vị đã sớm triển khai kế hoạch tiếp nhận, quản lý số tiền khi chủ đầu tư nộp vào để sớm giải ngân cho các đơn vị được giao kế hoạch trồng rừng thay thế theo phương án đã phê duyệt.

Nhìn chung, phần lớn chủ đầu tư các dự án thủy điện đều đồng thuận và có trách nhiệm trong việc trồng rừng thay thế. Tuy nhiên, do số tiền phải nộp là khá lớn, thời gian thực hiện lại rất ngắn, chỉ chưa đầy 20 ngày kể từ khi UBND tỉnh ban hành quyết định nên các đơn vị gặp khó khăn trong việc cân đối, bố trí nguồn tài chính.

Theo các chủ đầu tư dự án thủy điện thì chính sách trồng rừng thay thế của Nhà nước ban hành sau khi các dự án thủy điện đã hoàn thành hoặc xây dựng, phê duyệt xong dự án nên kinh phí trồng rừng thay thế không có trong danh mục dự án phê duyệt. Vì vậy, để nộp khoản tiền này, chủ đầu tư phải lấy từ nguồn thu vận hành, hoạt động của nhà máy nên không thể một lúc cân đối được số tiền lớn.

Chưa kể đến, một số công trình thủy điện đã hoàn thành và đưa vào danh danh sách nộp tiền nhưng lại chưa đi vào hoạt động nên không có nguồn thu để trích nộp. Vì vậy, các chủ đầu tư đều mong muốn tỉnh gia hạn thêm thời gian để bố trí đủ kinh phí thực hiện.

Hiện Sở Nông nghiệp-PTNT đang tiếp tục phối hợp với Sở Công thương hướng dẫn, đôn đốc các chủ dự án thủy điện sớm hoàn thành việc nộp tiền theo quyết định UBND tỉnh đã ban hành, cũng như rà soát, xem xét những đơn vị cố tình chây ỳ, thiếu tinh thần tự giác để tham mưu, đề xuất biện pháp giải quyết.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đôn đốc các đơn vị nộp tiền trồng rừng thay thế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO