Dân Bình Phước "nhảy dù" phá rừng Tuy Đức

Ngàn Sâu| 19/04/2018 10:54

Thời gian qua, nhiều người dân ở tỉnh Bình Phước thường xuyên khai thác gỗ, phá rừng, xâm chiếm đất tại Tuy Đức, khiến cho các cơ quan, đơn vị chức năng phải "đau đầu" trong việc xử lý, giải quyết...

ADQuảng cáo

Hiện trường vụ phá rừng tại tiểu khu 1454, thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ

Liên tục "đổ bộ"...

Tối 17/1/2018, lực lượng quản lý bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên (Tuy Đức) nhận được tin báo có một vụ khai thác gỗ trái phép xảy ra tại khoảnh 7, tiểu khu 1500 (thuộc lâm phần của Công ty). Ngay trong đêm, Công ty đã triển khai lực lượng để tiến hành ngăn chặn xử lý. Sau khi vượt hàng chục km, lực lượng của Công ty đã tiếp cận được với khoảnh 7, tiểu khu 1500.

Tại đây, lực lượng phát hiện ông Điểu Hùng và 14 người khác đều trú tại huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) đang sử dụng 11 xe máy độ chế vận chuyển 13 phách gỗ dạng xẻ hộp. Lực lượng tiến hành vây bắt, nhưng các đối tượng này đã dùng các loại hung khí như dao, rựa, gậy gộc... để tấn công lại.

Trước tình thế đó, lực lượng của Công ty buộc phải rút lui và chờ các đơn vị chức năng khác đến hỗ trợ. Lợi dụng cơ hội này, các đối tượng đã vận chuyển gỗ cùng những tang vật khác chạy thoát về hướng huyện Bù Gia Mập. Khi trở lại hiện trường, lực lượng thống kê được nhiều cây gỗ bằng lăng (nhóm III) đã bị đốn hạ, cùng với hơn 8,3m3 gỗ bằng lăng dạng xẻ hộp do các đối tượng khai thác nhưng chưa kịp vận chuyển.

Đêm 13/2/2018, trong lúc đi tuần tra, kiểm soát rừng tại khoảnh 5, tiểu khu 1500, lực lượng của Công ty phát hiện 5 đối tượng đang khai thác, vận chuyển gỗ trái phép và nhanh chóng tiếp cận, bắt được 4 đối tượng gồm: Điểu Tý, Điểu Glân, Điểu Nhật và Điểu Huy, đều trú tại thôn 8, xã Bù Nga, huyện Bù Gia Mập. Đối tượng còn lại được xác định là Điểu Coi, cũng trú tại xã Bù Nga, đã nhanh chân tẩu thoát. Tại hiện trường, lực lượng của Công ty thu giữ được hơn 1m3 gỗ hồng đào (nhóm V) dạng xẻ hộp, 3 xe máy độ chế và 3 máy cưa.

Gần đây hơn, vào ngày 20/3/2018, trong lúc tuần tra, kiểm soát, lực lượng chức năng huyện Tuy Đức phát hiện một vụ khai thác gỗ trái phép tại khoảnh 8, tiểu khu 1454, thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Thác Mơ (Tuy Đức).

ADQuảng cáo

Tại hiện trường, cơ quan chức năng thống kê được 22 cây gỗ lớn (trong đó gồm 18 cây gỗ bằng thuộc nhóm III) đã bị đốn hạ, với tổng khối lượng gỗ hơn 20m3. Sau đó, Công an huyện Tuy Đức đã vào cuộc và xác định, đối tượng Lê Văn Tịnh cùng với Nguyễn Thanh Hiền, đều trú tại huyện Bù Đăng (Bình Phước), khai thác trái phép toàn bộ số lượng gỗ này. Nguyễn Thanh Hiền bị công an khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi phá rừng. Còn Lê Văn Tịnh đang bỏ trốn và bị phát lệnh truy nã trên toàn quốc...

Hiện trường vụ phá rừng tại tiểu khu 1454, thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ

Chủ rừng, địa phương đang "đau đầu"

Theo ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên, việc người dân Bình Phước qua Tuy Đức phá rừng, khai thác gỗ đã diễn ra từ nhiều năm qua. Trong đó, có nhiều đối tượng đã bị cơ quan chức năng bắt giữ, xử lý. Thế nhưng cho đến nay, tình trạng này vẫn còn diễn ra rất phức tạp, chưa có dấu hiệu giảm xuống. Riêng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên có diện tích rừng giáp với tỉnh Bình Phước là rất lớn, nên việc ngăn chặn, xử lý lại càng khó khăn hơn.

Không chỉ khai thác gỗ, thời gian qua, rất nhiều người dân từ các huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập cũng thường xuyên sang địa bàn huyện Tuy Đức phá rừng, chiếm dụng đất đai làm nơi sản xuất. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, huyện Tuy Đức đã xảy ra 21 vụ việc người dân từ tỉnh Bình Phước sang phá rừng, xâm chiếm đất của các đơn vị chủ rừng trên địa bàn xã Quảng Trực (Tuy Đức). Tại xã Đắk Ngo (Tuy Đức), nhiều người dân từ Bù Gia Mập cũng tràn qua tàn phá hơn 2 ha rừng tại các tiểu khu 1501, 1525, thuộc lâm phần do UBND xã Đắk Ngo quản lý.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đoàn Hồng Quân, Chủ tịch UBND xã Quảng Trực cho biết, hàng ngày, số lượng người dân Bình Phước qua lại trên địa bàn xã Quảng Trực rất nhiều. Trong số đó, có nhiều người qua lại với mục đích phá rừng, khai thác gỗ. Chính quyền địa phương cũng triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng này, nhưng trên thực tế vẫn rất phức tạp.

"Cái khó lớn nhất là không quản lý được dân cư, bởi vì họ đều là người của tỉnh Bình Phước. Do đó, việc theo dõi, giám sát đối với những đối tượng thường xuyên phá rừng là rất khó, nên việc ngăn chặn, xử lý cũng khó", ông Quân cho biết.

Còn ông Nguyễn Duy Tân, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tuy Đức, khẳng định tình trạng người dân Bình Phước sang phá rừng tại Tuy Đức đang là vấn đề "nóng" nhất trên địa bàn hiện nay. Riêng lực lượng kiểm lâm trên địa bàn đã tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các khu vực giáp ranh với tỉnh Bình Phước. Thế nhưng, việc người dân từ Bình Phước sang phá rừng, khai thác gỗ tại Tuy Đức vẫn chưa được kiểm soát là bao nhiêu.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dân Bình Phước "nhảy dù" phá rừng Tuy Đức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO