Đắk Song: Chủ động xây dựng phương án sử dụng diện tích đất rừng mới được bàn giao

Đức Hùng| 08/08/2018 10:10

Sau khi giải thể, 2 công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trường Xuân và Công ty TNHH MTV Thuận Tân, đóng chân trên địa bàn huyện Đắk Song đã tiến hành bàn giao hiện trạng gần 11.000 ha rừng, đất rừng về cho huyện Đắk Song quản lý, bảo vệ.

ADQuảng cáo

Diện tích đất rừng bị lấn chiếm đang gây khó khăn cho địa phương trong quản lý, sử dụng

Trước diện tích rừng, đất rừng được bàn giao về địa phương lớn, huyện Đắk Song đang chủ động các phương án để bảo vệ, quản lý, sử dụng diện tích đất này một cách hiệu quả, kịp thời.

Tháng 9/2017, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trường Xuân tiến hành bàn giao 6.436 ha diện tích rừng, đất rừng về huyện Đắk Song. Sau khi hoàn tất thủ tục và hiện trạng, huyện Đắk Song đã tiến hành bàn giao toàn bộ diện tích 6.436 ha cho xã Trường Xuân (Đắk Song) quản lý; trong đó có 146 ha diện tích đất có rừng, 55 ha diện tích đất rừng tự nhiên, 90 ha diện tích rừng trồng, 6.290 ha diện tích đất không có rừng. Hiện trạng rừng, đất rừng bàn giao về địa phương dựa trên bản đồ hiện trạng giải đoán từ ảnh vệ tinh khu vực thu hồi của công ty.

Ngay sau khi được bàn giao, xã Trường Xuân đã chủ động các phương án để quản lý, bảo vệ diện tích rừng, đất rừng. Cụ thể, đối với 55 ha diện tích rừng tự nhiên tập trung tại tiểu khu 1687, xã tiến hành giao cho 2 hộ dân là bà Nguyễn Thị Hạnh (hơn 29 ha, trong đó 21 ha có rừng) và hộ ông Nguyễn Văn Nam 21 ha (trong đó 20 ha có rừng) để quản lý, bảo vệ.

Cùng với đó, xã thành lập chốt chặn và tổ tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng với 12 thành viên gồm: dân quân, công an, kiểm lâm địa bàn để hỗ trợ người dân tham gia bảo vệ diện tích rừng được giao. Nhờ tăng cường cộng tác tuần tra, quản lý, bảo vệ, tuyên truyền, vận động diện tích rừng giao về địa phương đến thời điểm này cơ bản được bảo vệ tốt.

ADQuảng cáo

Cùng với việc quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao, xã Trường Xuân đã xây dựng phương án trồng 21 ha diện tích rừng giáp ranh với 55 ha đất rừng mới bị phá, lấn chiếm.

Ngoài 55 ha diện tích rừng tự nhiên được giao cho các hộ dân và 21 ha diện tích đất rừng xây dựng phương án trồng rừng, thì diện tích rừng còn lại manh mún, nhỏ lẻ, rải rác ở chóp đồi, ven suối. Hầu hết diện tích đất rừng đã bị người dân lấn chiếm, có những tiểu khu người dân đã sử dụng từ năm 1998. Cây lâu năm của người dân đã cho thu hoạch nhiều năm. Nhiều diện tích người dân xin cấp quyền sử dụng đất chiếu theo bản đồ mới thì nằm trong lâm phần của công ty trước đây.

Đối với diện tích đất rừng đang bị lấn chiếm, canh tác hoa màu, cây lâu năm, xã đề xuất phương án nông lâm kết hợp theo phương án 1 ha đất quy định trồng bao nhiêu cây rừng để tăng độ che phủ. Nếu người dân cam kết thực hiện phương án trên sẽ được cấp quyền sử dụng đất. Đối với diện tích đất mới phá, xã kiên quyết thu hồi để trồng lại rừng.

Tương tự, Công ty TNHH MTV Thuận Tân sau khi giải thể đã ban giao 4.514 ha diện tích rừng, đất rừng về cho huyện Đắk Song. Huyện Đắk Song đã tiến hành bàn giao về cho các xã: Thuận Hà, Thuận Hạnh, Nâm N’Jang quản lý, bảo vệ. Hiện trạng bàn giao có gần 400 ha đất có rừng, 379 ha đất rừng tự nhiên, 9 ha rừng trồng, 4.124 ha đất không có rừng. Các xã được bàn giao rừng, đất rừng đã chủ động các phương án quản lý chặt chẽ và rà soát diện tích đất rừng, rừng có trong khu đất được giao để xây dựng phương án sử dụng đất, phát triển rừng theo quy định.

Ông Lê Viết Sinh, Phó Chủ tịch huyện Đắk Song cho biết: Diện tích đất rừng, rừng giao về địa phương lớn nhưng diện tích còn rừng lại manh mún. Chưa kể, hầu hết diện tích đất rừng người dân đang canh tác trồng cây ngắn ngày, cây lâu năm. Chính vì thế, huyện Đắk Song đã chủ động xây dựng phương án, huy động lực lượng bảo vệ hiện trạng rừng, đất rừng bàn giao và xây dựng phương án sử dụng đất rừng hợp lý. Huyện đã thành lập 2 chốt chặn tại xã Nâm N’Jang và xã Trường Xuân để bảo vệ hiện trạng và diện tích rừng còn lại. Theo quy định hiện hành, để sử dụng diện tích đất rừng, ngành chức năng, mà cụ thể là Sở Tài nguyên và Môi trường phải xây dựng phương án sử dụng đất, các địa phương căn cứ vào phương án này để sử dụng. Trên tinh thần đó, địa phương đã chủ động tiến hành quản lý rừng, đất rừng theo địa giới hành chính và giữ nguyên hiện trạng và tiến hành giao khoán cho các hộ dân có nhu cầu để quản lý, bảo vệ, tránh tình trạng rừng, đất rừng bị bỏ ngỏ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Song: Chủ động xây dựng phương án sử dụng diện tích đất rừng mới được bàn giao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO