Công tác quản lý, bảo vệ rừng: Không thể chủ quan, lơ là

Đức Diệu| 12/11/2014 09:08

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, tính từ đầu năm 2014 đến nay, công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) trên địa bàn tỉnh đã và đang có nhiều chuyển biến tích cực.

ADQuảng cáo

Cụ thể, số vụ phá rừng được phát hiện đã giảm 45% và diện tích rừng bị thiệt hại giảm 34% so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, để đảm bảo mục tiêu giảm 50% số vụ vi phạm lâm luật và 45% diện tích rừng bị thiệt hại theo tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy thì đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương và đơn vị chủ rừng phải phát huy cao độ tinh thần, trách nhiệm, không thể chủ quan, lơ là trong công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tình hình vi phạm lâm luật.

Cán bộ  kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng (Đắk Glong) tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Văn Tâm

Thực tế cho thấy, mặc dù, tình trạng vi phạm lâm luật đã có những chuyển biến tích cực nhưng lĩnh vực này vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, một số khu vực rừng hiện đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị xâm hại. Đơn cử như qua khảo sát, đánh giá, lực lượng kiểm lâm tỉnh đã khoanh vùng nhiều điểm “nóng”, có nguy cơ mất rừng cao.

Các điểm “nóng” về phá rừng tập trung chủ yếu tại các khu vực rừng giáp ranh giữa xã Quảng Trực với xã Quảng Tâm, Đắk Ngo (Tuy Đức) và vùng giáp ranh giữa tỉnh ta với huyện Bù Đăng (Bình Phước); lâm phần thuộc  các công ty lâm nghiệp như Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk N’tao; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hòa …

Chưa kể đến, thời gian gần đây, tình trạng lâm tặc tấn công lực lượng kiểm lâm, lực lượng có chức năng quản lý, bảo vệ rừng đang ngày một gia tăng; hành vi vận chuyển, mua bán lâm sản rất tinh vi với nhiều hình thức, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn.

Điển hình như từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện, bắt quả tang nhiều vụ vận chuyển lâm sản bằng đường thủy trên lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4 (Đắk Glong). Các đối tượng đã lợi dụng mặt nước để giấu lâm sản, dùng ca nô vận chuyển lâm sản về nơi tập kết và chờ thời cơ chuyển lâm sản đến nơi tiêu thụ. Đây là một hình thức vận chuyển mới phát sinh, trong khi phương tiện, trang thiết bị để đấu tranh của cơ quan chức năng còn hạn chế.

ADQuảng cáo

Cũng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận nhiều vụ lâm tặc chống đối, hành hung người thi hành công vụ với mức độ, tính chất rất nghiêm trọng. Mặc dù, các đối tượng vi phạm đã và đang được xử lý nghiêm minh trước pháp luật nhưng điều này cho thấy công tác đấu tranh, phòng chống với loại tội phạm này đang đòi hỏi sự quyết tâm, quyết liệt và đồng bộ của các cấp, ngành chức năng.

Bên cạnh những khó khăn trên, bước vào mùa khô cũng là lúc cao điểm trong nhiệm vụ QLBVR. Đây là thời gian rất dễ phát sinh các vụ cháy rừng, tình trạng người dân phá, đốt rừng làm nương rẫy. Qua công tác QLBVR trên địa bàn tỉnh cho thấy, tình hình vi phạm lâm luật đang có dấu hiệu “nóng” lên hàng ngày, mặc dù mới bước vào thời điểm của đầu mùa khô 2014-2015.

Cụ thể, trong tháng 10, toàn tỉnh đã phát hiện và lập biên bản để xử lý 90 vụ vi phạm lâm luật, tăng 14 vụ so với tháng 9; trong đó, phá rừng trái phép 17 vụ với 8,84 ha rừng thiệt hại; khai thác rừng trái phép 5 vụ; mua bán, vận chuyển động vật rừng 4 vụ; mua bán, vận chuyển trái phép gỗ, lâm sản 62 vụ và 2 vụ vi phạm khác.

Đây là tháng đầu tiên trong năm chúng ta ghi nhận tình trạng vi phạm lâm luật tăng về số vụ. Theo dự báo, con số này sẽ có nguy ngơ tăng lên ở những tháng mùa khô tới đây nếu chúng ta không có biện pháp chủ động phòng ngừa.

Công tác QLBVR là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả và đầy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, ngoài việc tiếp tục triển khai công tác nghiệp vụ được giao, để hoàn thành tốt mục tiêu giảm về số vụ phá rừng và diện tích rừng bị thiệt hại theo tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, trong thời điểm bước vào mùa khô, ngành kiểm lâm, các địa phương và đơn vị chủ rừng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng phá rừng.

Bên cạnh đó, các lực lượng kiểm lâm cũng phải hướng dẫn các đơn vị chủ rừng sớm hoàn thành và triển khai phương án phòng, chống cháy rừng, chủ động dự báo, bám sát diễn biến tình hình để bố trí nguồn lực sẵn sàng ứng phó với những phát sinh xâm hại đến rừng, tài sản từ rừng trên địa bàn toàn tỉnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác quản lý, bảo vệ rừng: Không thể chủ quan, lơ là
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO