Công tác quản lý, bảo vệ rừng: Đã có sự chuyển biến tích cực

Hà An| 03/01/2015 14:08

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trong năm 2014, toàn tỉnh chỉ xảy ra 345 vụ phá rừng trái phép với tổng diện tích rừng thiệt hại là 145,85 ha, giảm 42,65% về số vụ và 34,17% về diện tích rừng thiệt hại so với năm 2013.

ADQuảng cáo

Mặc dù chưa đạt mục tiêu theo chỉ đạo của Tỉnh ủy là giảm 50% số vụ vi phạm và 35% về diện tích rừng thiệt hại nhưng nhìn chung, công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) bước đầu đã thể hiện được tính nhất quán, đồng bộ và quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ được giao.

Cán bộ kiểm lâm huyện Đắk Glong tuần tra, kiểm tra rừng tại xã Quảng Khê. Ảnh: Thùy Dương

Trong năm, Ban Chỉ đạo ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép và tổ chức lại mô hình quản lý, bảo vệ rừng (Ban Chỉ đạo 1079) do Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập, đi vào hoạt động đã bước đầu mang lại những kết quả tích cực trong việc kiểm tra, nhắc nhở và chấn chỉnh hoạt động QLBVR tại các địa phương, đơn vị.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã thành lập các tổ công tác liên ngành kiểm tra, kiểm soát lâm sản dọc khu vực biên giới tỉnh Đắk Nông; tổ công tác liên ngành rà soát, đánh giá diện tích rừng tự nhiên và tình hình triển khai thực hiện các dự án thuê đất, thuê rừng để lập hồ sơ giao rừng, cho thuê rừng; thành lập và củng cố 8 đoàn thực hiện Chỉ thị số 12/2003/CT-TTg, ngày 16/5/2003 của Thủ tướng Chính phủ ở 8 huyện và thị trên địa bàn tỉnh.

Từ đây, không chỉ công tác chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ được tăng cường mà hoạt động tuyên truyền, phát hiện, xử lý các vụ vi phạm lâm luật cũng đã được các đơn vị, địa phương quan tâm. Điển hình như qua công tác khảo sát, nắm bắt tình hình, ngành kiểm lâm tỉnh đã xây dựng phương án quản lý, xử lý các điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ trái phép.

ADQuảng cáo

Trong năm, Công an tỉnh cũng đã vào cuộc với nhiều chuyên án quy mô lớn để điều tra, xử lý các đối tượng hủy hoại rừng, lấn chiếm, sang nhượng đất rừng và khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Điển hình như từ đầu năm đến nay, lực lượng công an đã triệt phá 2 băng nhóm tội phạm liên quan đến QLBVR, bắt, khởi tố 29 đối tượng phạm tội về thu lợi bất chính trên khu rừng xã Quảng Trực.

Bên cạnh đó, cơ quan công an cũng đã làm rõ và khởi tố 12 vụ, 43 bị can về các hành vi vi phạm quy định sử dụng đất, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản do bán đất rừng, hủy hoại đất rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép; lập hồ sơ đề nghị UBND huyện Tuy Đức xử lý hành chính đối với 418 trường hợp vi phạm về các quy định sử dụng đất.

Ngoài ra, công an tỉnh cũng đã điều tra, xử lý các nhóm đối tượng hủy hoại rừng trên tuyến Quốc lộ 14 thuộc địa phận huyện Đắk Song và Lâm trường Nghĩa Tín, xã Quảng Thành (Gia Nghĩa). Đến nay, Công an tỉnh đã khởi tố 11 vụ với 43 bị can về tội hủy hoại hơn 30 ha rừng tự nhiên ở các địa bàn nêu trên.

Bên cạnh quyết liệt trong vấn đề đấu tranh, răn đe và ngăn chặn các đối tượng phá rừng, thời gian qua, ngành Kiểm lâm tỉnh cũng chú trọng đến việc xử lý nghiêm các cán bộ kiểm lâm vi phạm. Trong năm 2014, toàn tỉnh có 11 cán bộ, công chức kiểm lâm, trong đó 3 công chức bị kỷ luật 2 lần liên tiếp.

Cụ thể, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã kiểm điểm tập thể Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Glong trong việc buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát thi hành luật Bảo vệ rừng và kỷ luật 2 công chức của đơn vị này với mức khiển trách. Cơ quan chức năng cũng đã ban hành quyết định kỷ luật đối với 9 công chức thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, trong đó có 2 công chức bị kỷ luật 2 lần liên tiếp với các hình thức như khiển trách, hạ bậc lương, kéo dài thời hạn nâng lương; đồng thời đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét kỷ luật Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung về việc thiếu tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện tổ chức chỉ đạo điều hành đơn vị.

Từ đây cho thấy, mặc dù công tác QLBVR được đánh giá vẫn còn những khó khăn, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, song bằng sự vào cuộc quyết liệt, khá đồng bộ của các cấp, ngành, đơn vị đã bước đầu tạo được chuyển biến theo hướng chiều sâu. Vì vậy, ngoài việc phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, các đơn vị, địa phương cũng cần quan tâm hơn nữa đến việc phát huy hơn nữa vai trò của quần chúng trong việc tham gia quản lý, bảo vệ rừng, tố giác các hành vi xâm hại đến rừng; nâng cao năng lực cho đơn vị chủ rừng cũng như làm tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch 3 loại rừng thuộc lâm phần phụ trách.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác quản lý, bảo vệ rừng: Đã có sự chuyển biến tích cực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO