Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng có nhiều chuyển biến

Hồng Thoan| 05/10/2015 09:52

Theo đánh giá của UBND tỉnh, thực hiện Nghị định số 09/2006/ NĐ-CP, ngày 16/1/2006 của Chính phủ về phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), trong những năm qua, nhờ sự vào cuộc của các cấp, ngành nên công tác này trên địa bàn Đắk Nông đã có những chuyển biến tích cực.

ADQuảng cáo

Hàng năm, UBND tỉnh đều xây dựng kế hoạch thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng và chỉ đạo, hướng dẫn các ngành chức năng, các cấp chính quyền và chủ rừng nghiêm túc thực hiện. Công tác kiện toàn bộ máy được coi là nhiệm vụ trọng tâm, đến nay, toàn tỉnh đã có 9 ban chỉ đạo về PCCCR, củng cố kiện toàn và thành lập mới 103 ban chỉ huy PCCCR ở cơ sở.

Trong đó, cấp xã có 49 ban, chủ rừng có 54 ban thuộc các công ty lâm nghiệp quốc doanh, khu bảo tồn, ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, doanh nghiệp ngoài quốc doanh và chủ rừng khác. Các tổ, đội PCCCR cũng đã có hệ thống từ tỉnh xuống thôn, bon, buôn, nhóm hộ. Cụ thể, toàn tỉnh hiện có 115 tổ PCCCR, với 1.825 người tham gia, trong đó nòng cốt là cán bộ kiểm lâm, công an, dân quân…

Lực lượng kiểm lâm, dân quân tự vệ và người dân các xã Đắk Som, Quảng Khê, Đắk P'lao (Đắk Glong) tham gia diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng. Ảnh: Văn Tâm

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCCCR, toàn tỉnh đã làm mới, tu sửa được 449 km đường băng trắng cản lửa, thực hiện biện pháp giảm vật liệu cháy bằng đốt trước có kiểm soát trên 7.500 ha rừng các loại, xây dựng 25 chòi canh lửa, 26 hồ chứa nước và trên 1.000 bảng cấm lửa, dự báo cháy rừng, nội quy bảo vệ rừng kiên cố.

Công tác đào tạo, huấn luyện nhằm nâng cao năng lực cho lực lượng làm công tác PCCCR cũng được đẩy mạnh. Toàn tỉnh hiện đã có trên 700 công cụ các loại như máy cắt thực bì, cưa xăng, bình khí C02… được trang bị cho các tổ, đội PCCCR.

ADQuảng cáo

Trong thời gian qua, bằng các nguồn vốn khác nhau, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tổ chức được 31 lớp tập huấn nghiệp vụ và 9 đợt huấn luyện diễn tập chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ quy mô cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã với sự tham gia của hàng ngàn người.

Cùng với đó, hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về PCCCR cũng được đa dạng hóa, thông qua nhiều phương pháp khác nhau. Cụ thể như truyền thanh được gần 17.000 lần, hơn 2.600 lần tuyên truyền lưu động, gần 1.000 lần tuyên truyền bằng họp dân với hàng chục ngàn lượt người tham gia.

Qua đó, đội ngũ chuyên môn đã vận động  được trên 10.200 hộ dân sống gần rừng, khu vực trọng điểm dễ cháy ký cam kết bảo vệ rừng, PCCCR. Hoạt động dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng và thông tin cấp cháy rừng được chú trọng phục vụ ngày càng hiệu quả nhờ ngành chức năng đưa vào áp dụng công nghệ thông tin thông qua các phần mềm, công nghệ để phân tích, tính toán, phân vùng một cách đồng bộ, độ chính xác khá cao.

Chính vì thế, toàn tỉnh đã hạn chế đến mức thấp nhất về diện tích cũng như mức độ thiệt hại do cháy rừng gây ra. Theo thống kê, từ năm 2006 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 24 vụ cháy rừng với tổng diện tích thiệt hại trên 57 ha, trong đó có 50,6 ha rừng trồng các loại và trên 6 ha rừng tự nhiên. Số vụ, diện tích rừng bị cháy đều giảm so với thời gian trước.

Để phát huy kết quả này, theo ông Đỗ Ngọc Duyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT thì thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các bên liên quan nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng cho lực lượng nòng cốt là kiểm lâm, cảnh sát phòng cháy, chữa cháy cũng như các tổ, đội PCCCR ở cơ sở. Các đơn vị chuyên môn, các địa phương, chủ rừng cũng cần tranh thủ tốt nguồn vốn của các dự án để xây dựng, trang bị đầy đủ, hiện đại hơn về cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ PCCCR, nâng tầm công tác dự báo, cảnh báo…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng có nhiều chuyển biến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO