Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng: Tăng thêm nguồn lực để quản lý, phát triển rừng bền vững

Bài, ảnh: Hưng Nguyên| 03/12/2018 10:47

Sau gần 8 năm (2011-2018) triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã được tăng cường thêm nguồn lực, góp phần quản lý tốt diện tích rừng, nâng cao trách nhiệm của người dân về công tác này.

ADQuảng cáo

Kiểm lâm Vườn quốc gia Tà Đùng thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy rừng

Xã hội hóa nghề rừng

Ngay từ khi triển khai chính sách chi trả DVMTR, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Đắk Nông đã chủ động rà soát và làm việc với các nhà máy thủy điện, cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch để ký kết hợp đồng ủy thác tiền chi trả DVMTR. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 28 nhà máy thủy điện lớn, nhỏ và 7 cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch thực hiện nộp ủy thác tiền DVMTR vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng. Số tiền DVMTR bình quân thu được hằng năm khoảng 65 tỷ đồng.

Tổng số tiền ủy thác mà Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã thu được tính đến nay khoảng 400 tỷ đồng, đã góp phần giảm nhẹ gánh nặng lên nguồn ngân sách nhà nước phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Các đối tượng sử dụng dịch vụ môi trường rừng đã thực hiện tốt nghĩa vụ tài chính theo quy định, không còn tình trạng nợ đọng, chậm nộp tiền DVMTR như những năm đầu triển khai.

Chỉ tính từ năm 2011 đến hết năm 2017, diện tích rừng được chi trả tiền DVMTR toàn tỉnh khoảng 160.000 ha với tổng số tiền đã chi trả hơn 300 tỷ đồng. Các đối tượng được chi trả có 30 chủ rừng là các tổ chức nhà nước gồm các đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang và doanh nghiệp nhà nước; 26 chủ rừng là các tổ chức được nhà nước cho thuê đất, thuê rừng; 20 đơn vị là các tổ chức được nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng nhưng không phải là chủ rừng; 10 chủ rừng là cộng đồng dân cư thôn, bon; hơn 100 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, nhóm hộ và 1.052 hộ gia đình, cá nhân nhận khoán bảo vệ rừng tại các đơn vị chủ rừng có tổ chức giao khoán.

Theo đánh giá của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, sau gần 8 năm triển khai thực hiện (2011 - 2018), chính sách chi trả DVMTR đã thể hiện mối liên kết kinh tế mang tính bền vững giữa bên sử dụng và bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Việc thu tiền ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo được nguồn tài chính ổn định phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ rừng trên toàn tỉnh, cải thiện môi trường sống, hạn chế các hành vi gây tổn hại đến rừng, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ môi trường rừng.

Mặt khác, rừng trong vùng được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được bảo vệ tốt hơn, đời sống người lao động từ nghề rừng được cải thiện, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định an ninh chính trị tại địa phương.

ADQuảng cáo

Tổ quản lý bảo vệ rừng cộng đồng bon R'Bút, xã Quảng Sơn, Đắk Glong tuần tra rừng

Cộng đồng giữ rừng, hưởng lợi

Để có được những kết quả tốt trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, ngoài vai trò của đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương còn phải kể đến vai trò quan trọng của các trưởng bon, trưởng nhóm. Họ chính là những "đầu tàu" gương mẫu và trực tiếp tuyên truyền vận động bà con trong thôn, bon nâng cao ý thức bảo vệ rừng, đồng thời giám sát chặt chẽ việc thực hiện nhận khoán quản lý diện tích rừng của các hộ dân. Nhiều cộng đồng đã tự lập ra các tổ bảo vệ rừng để phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và cán bộ kiểm lâm thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng.

Đơn cử, rừng cộng đồng bon R’Bút, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) có diện tích 335 ha, hiện nay tổ quản lý bảo vệ rừng của bon đang trực tiếp quản lý, bảo vệ. Tổ có 15 người, mỗi tuần đi tuần tra, kiểm tra rừng 3 lần. Ông Y Đoan, tổ trường tổ quản lý bảo vệ rừng cộng đồng bon R’Bút cho hay, mỗi năm tổ nhận hơn 110 triệu đồng tiền chi trả DVMTR. Nguồn kinh phí này giúp tổ trang trải cho các hoạt động tuần tra, bảo vệ rừng và trả tiền công cho các thành viên trong tổ. Nguồn kinh phí đã giúp cho các thành viên trong tổ có nguồn thu nhập từ việc quản lý bảo vệ rừng, tích cực giữ rừng, nhờ đó rừng được bảo vệ tốt, không bị phá, lấn chiếm. Thông qua hoạt động giữ rừng, người dân trong các bon ngày càng nâng cao ý thức bảo vệ rừng.

Từ những nguồn thu nhập từ nghề rừng, các cộng đồng, hộ gia đình sống gần rừng đã tham gia nhận khoán bảo vệ rừng để tăng thêm mối liên kết, trách nhiệm của các bên. Với mức chi trả bình quân mỗi hộ nhận khoán từ 6 đến 15 triệu đồng/năm đã tạo điều kiện cho hộ gia đình, cá nhân tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt, đối với đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng gần rừng, đã và đang tham gia tích cực vào công tác quản lý bảo vệ rừng, gắn bó với rừng và góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Tại các đơn vị chủ rừng như các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên… chính sách chi trả DVMTR đã giúp các đơn vị này có nguồn kinh phí ổn định phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng. Nguồn nhân lực để bố trí thực hiện các giải pháp phòng, chống cháy rừng và các công trình nghiệp vụ lâm sinh khác được tăng lên đáng kể, góp phần ngăn chặn, giảm thiểu các hành vi vi phạm luật Bảo vệ và Phát triển rừng.

Đơn cử, Vườn Quốc gia Tà Đùng (xã Đắk Som, Đắk Glong) hiện có khoảng 16.000 ha rừng giao khoán và tập trung được chi DVMTR, trong đó có 6.000 ha rừng giao khoán cho 201 hộ dân trên địa bàn tham gia quản lý, bảo vệ. Theo ông Khương Thành Long, Giám đốc Vườn Quốc gia Tà Đùng, mỗi năm đơn vị nhận tiền chi trả DVMTR khoảng 7 tỷ đồng. Đây là nguồn kinh phí để đơn vị thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng, giao khoán, ký các hợp đồng quản lý, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng. Nhờ đó, đơn vị có nguồn lực tài chính, nguồn lực con người để triển khai bảo vệ và phát triển rừng ngày một tốt hơn. Đời sống của người dân tham gia nhận khoán ngày càng được cải thiện, trung bình mỗi năm, một hộ nhận khoán có thêm thu nhập khoảng 20 triệu đồng.

Từ những kết quả trên cho thấy chính sách chi trả DVMTR đang phát huy tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm công bằng trong khai thác, sử dụng dịch vụ rừng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng: Tăng thêm nguồn lực để quản lý, phát triển rừng bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO