Bảo vệ rừng và trồng rừng là một nhiệm vụ cấp thiết !

Hoàng Bảo| 29/12/2015 10:10

Theo đánh giá của Tỉnh ủy thì năm 2015, công tác quản lý, bảo vệ rừng và trồng rừng mới là một trong những nhóm chỉ tiêu không đạt so với kế hoạch đề ra.

ADQuảng cáo

Theo nghị quyết năm 2015, đến cuối năm, tỉnh phấn đấu giảm 50% số vụ và diện tích rừng bị phá trái phép, song trên thực tế không những không giảm mà số vụ phá rừng còn tăng 14%, kéo theo diện tích rừng bị phá cũng tăng theo.

Còn trong trồng rừng mới, toàn tỉnh chỉ trồng được khoảng 1.000 ha, trong khi chỉ tiêu là 2.300 ha. Toàn tỉnh cũng đề ra kế hoạch sẽ trồng hơn 3.600 ha rừng thay thế; trong đó, các doanh nghiệp làm thủy điện phải trồng hơn 3.192 ha và ngoài thủy điện là hơn 495 ha, nhưng trên thực tế mới chỉ trồng được khoảng 475 ha.

Theo ông Đỗ Ngọc Duyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, việc trồng rừng không đạt chủ yếu là từ trồng rừng thay thế do các công ty thủy điện thực hiện. Kế hoạch trồng rừng thay thế đã có từ lâu, nhưng mãi đến năm 2015, mới bắt đầu tiến hành khảo sát, rà soát quỹ đất và lập phương án để tiến hành trồng.

Trong khi đó, số tiền các công ty thủy điện nộp quá ít, nên đến thời điểm này, toàn tỉnh mới chỉ triển khai trồng được khoảng 475 ha. Để khắc phục tình trạng này, Sở Nông nghiệp-PTNT đã trình và UBND tỉnh đồng ý phê duyệt chấp thuận chủ trương cho các công ty thủy điện không có khả năng trồng rừng nộp tiền cho Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng để triển khai thực hiện.

Về phía Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cũng đã sớm triển khai kế hoạch tiếp nhận, quản lý số tiền khi chủ đầu tư nộp vào để sớm giải ngân cho các đơn vị được giao kế hoạch trồng rừng thay thế theo phương án đã phê duyệt. Thế nhưng, đến nay, các công ty thủy điện nộp chậm và chưa đủ, nên không thể triển khai trong năm 2015 mà phải chuyển qua năm 2016.

Ngoài ra, theo Thông tư số 26 của Bộ Nông nghiệp-PTNT sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 24 trước đó lại quy định chỉ cho doanh nghiệp trồng rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Do đó, để việc trồng rừng đạt kế hoạch đề ra thì tỉnh cần phải có cơ chế cho cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và người dân cùng tham gia trồng lại rừng sản xuất, rừng phòng hộ. Việc đôn đốc các công ty thủy điện khẩn trương nộp tiền để trồng rừng thay thế cũng phải được chú trọng.

ADQuảng cáo

Về vấn đề bảo vệ rừng, từ năm 2013-2014, khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 11 thì công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng bền vững đã huy động được cả hệ thống chính trị cùng tham gia thực hiện, nên số vụ và số diện tích rừng bị phá đã giảm được 30-40%.

Thế nhưng, đến năm 2015, thì ngược lại, chỉ tính riêng diện tích rừng bị phá ở Đắk Glong mà chủ yếu là ở xã Đắk Ha và xã Quảng Thành (Gia Nghĩa) đã lên khoảng 145 ha. Nguyên nhân là do năng lực của đơn vị chủ rừng yếu kém, thiếu trách nhiệm, buông lỏng, tiêu cực. Chính quyền cấp xã chưa quan tâm đến việc bảo vệ rừng cũng như không quản lý được dân cư, đất đai.

Công tác quản lý nhà nước về rừng của các địa phương chưa cao, cán bộ yếu trong khâu quản lý. Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận dân cư còn thấp. Công tác xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng chưa nghiêm, tính giáo dục, răn đe chưa cao. Một nguyên nhân nữa là do dân di cư tự do đến tỉnh sinh sống ngày càng nhiều. Như ở địa bàn Gia Nghĩa, chỉ tính riêng trong khu vực rừng bị phá đã có khoảng 1.000 hộ dân tự do chưa được sắp xếp.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 2 mới đây, đồng chí Lê Diễn, Bí thư Tỉnh ủy đã nhấn mạnh, bảo vệ rừng và trồng mới rừng đã trở thành pháp lệnh và là một nhiệm vụ cấp thiết cần phải thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ trong toàn hệ thống chính trị. Vì vậy, để công tác quản lý, bảo vệ rừng được triển khai thực hiện tốt hơn thì thời gian tới, tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả việc sắp xếp tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, công ty nông, lâm nghiệp; lập bản đồ địa chính và hồ sơ ranh giới sử dụng đất.

Việc rà soát, xác định ranh giới, cắm mốc giới, đo đạc, lập bản đồ địa chính, hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất theo đúng quy định của pháp luật cho các công ty nông, lâm nghiệp cần được chú trọng. Phấn đấu đến năm 2017 sẽ giải quyết cơ bản tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai, diện tích đang cho thuê, cho mượn tại các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức khác có nguồn gốc đất đai từ các nông, lâm trường.

Các ngành chức năng cần tiếp tục rà soát, thu hồi diện tích đất sử dụng không hiệu quả, đất không sử dụng để trả lại các địa phương giao cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thiếu hoặc chưa có đất sản xuất, quản lý, sử dụng hoặc giao cho các tổ chức kinh tế có năng lực, có phương án sản xuất hiệu quả.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ rừng và trồng rừng là một nhiệm vụ cấp thiết !
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO