Sàn thương mại điện tử - đường ra "biển lớn” cho sản phẩm OCOP

Kinh tế - Ngày đăng : 08:41, 05/12/2022

Sàn thương mại điện tử (TMĐT) với lợi thế bán hàng đa kênh trên nhiều nền tảng trực tuyến đang là phương thức tiêu thụ hàng hóa khá hiệu quả. Nắm bắt cơ hội này, nhiều doanh nghiệp, HTX, người dân đang nỗ lực đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn TMĐT.

Sản phẩm Bún gấc thiên nhiên của HTX Nông lâm nghiệp Nam Hà (Cư Jút) đạt chứng nhận OCOP hạng 3 sao vào năm 2021. Ngoài các kênh tiêu thụ truyền thống, sản phẩm này đang tiếp cận kênh TMĐT.

“Nhờ có chứng nhận OCOP, sản phẩm tự tin quảng bá thương hiệu sản phẩm trên thị trường. Thông qua sàn TMĐT, HTX có thể công khai mọi thông tin về sản phẩm, nơi sản xuất cho khách hàng”, bà Đào Thị Chính, Phó Chủ tịch HĐQT HTX chia sẻ.

Hiện nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm bún của HTX chủ yếu ở các tỉnh, thành trong nước như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng..., với sản lượng khoảng 2-3 tạ/tháng.

Bún gấc thiên nhiên của HTX Nông lâm nghiệp Nam Hà (Cư Jút) được nhiều người biết đến khi tham gia sàn thương mại điện tử

HTX đang thực hiện các quy trình chế biến theo tiêu chuẩn quốc tế Hapsat để đưa sản phẩm ra thị trường các nước trên thế giới. Sắp tới, HTX sẽ có hợp đồng xuất khẩu sản phẩm tới Dubai (UAE) theo thỏa thuận với sản lượng 15 tấn/tháng.

Sau khi đạt chứng nhận OCOP hạng 3 sao, sản phẩm cà phê bột của DNTN Toàn Hằng (Đắk R’lấp) đã tự tin khẳng định thương hiệu trên thị trường.

Qua các sàn TMĐT, chỉ trong thời gian ngắn, sản phẩm của doanh nghiệp đã được nhiều người biết đến và tin tưởng sử dụng.

Để có được nguồn nguyên liệu chuẩn, doanh nghiệp đang liên kết với khoảng 2.000 hộ dân trong vùng để trồng khoảng 3.000 ha cà phê, đáp ứng 80% công suất chế biến của nhà máy.

Sản phẩm cà phê tại nguồn của DNTN Toàn Hằng (Đắk R'lấp)

Mỗi tháng, doanh nghiệp cung ứng ra thị trường khoảng 5 tấn cà phê rang xay. Nhờ sản phẩm được chế biến tại nguồn, nên chất lượng luôn được quản lý chặt chẽ, bảo đảm theo tiêu chuẩn quốc tế.

Ngoài các kênh TMĐT trong nước, doanh nghiệp đang tiếp cận các sàn thương mại quốc tế như: Alibaba, Amazon… để đưa sản phẩm tiến xa hơn vào thị trường các nước trên thế giới.

“Doanh nghiệp mong rằng, Nhà nước tiếp tục hỗ trợ, đồng hành với bà con để làm ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao hơn. Từ đó có thể tiếp cận các thị trường khó tính, giúp nâng cao giá trị kinh tế cho nông sản địa phương”, ông Trương Công Toàn, chủ doanh nghiệp cho biết.

Thời gian qua, Đắk Nông đang tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ đưa các hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp lên sàn TMĐT. Đặc biệt, các hàng nông sản đạt tiêu chuẩn OCOP, VietGAP… được đơn vị chức năng đưa lên 2 sàn thương mại chính như: Voso.vn và Postmart.vn.

Nhiều sản phẩm OCOP của Đắk Nông đang tiếp cận các sàn thương mại điện tử

Đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ lên sàn TMĐT cho 1.098 sản phẩm; trong đó, có 47/47 sản phẩm OCOP và 1.051 sản phẩm nông nghiệp khác, với tổng số giao dịch là 17.993 lượt.

Trong Kế hoạch phát triển TMĐT, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Đắk Nông sẽ xây dựng bộ giải pháp hỗ trợ kinh doanh trực tuyến để giúp các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ triển khai ứng dụng TMĐT.

Địa phương sẽ xây dựng và hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ như: mã vạch, QP code, chip NFC, blockchain... để truy xuất nguồn gốc xuất xứ cho các sản phẩm hàng hóa.

Hàng năm, các doanh nghiệp chưa có hoặc đã có website TMĐT đang hoạt động sẽ được hỗ trợ thiết kế, nâng cấp thành website TMĐT có đầy đủ chức năng để bán hàng như: giỏ hàng trực tuyến, tích hợp thanh toán trực tuyến, quản lý hoạt động khuyến mại trực tuyến, kết nối mạng xã hội, hỗ trợ chat live và website phải thân thiện với thiết bị cầm tay...

Hoạt động hỗ trợ phát triển TMĐT sẽ được thực hiện theo từng ngành hàng, nhất là lĩnh vực có tiềm năng xuất khẩu cao...

Lê Dung