Việc cưỡng chế đất lấn chiếm tại Thủy điện Đắk N’teng đúng theo quy định của pháp luật

Lê Phước - Phan Tuấn| 09/08/2019 16:29

Sau nhiều năm bị người dân lấn chiếm trái phép, đất rừng phòng hộ tại khu vực Thủy điện Đắk N’teng, ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong) đã được chính quyền địa phương cưỡng chế theo quy định.

ADQuảng cáo

Giữa tháng 6/2019, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện thông tin UBND huyện Đắk Glong tổ chức cưỡng chế, giải tỏa khu vực rừng, đất rừng bị lấn chiếm tại thôn 3, xã Quảng Sơn. Với một số hình ảnh, clip đính kèm cùng một số nội dung chia sẻ, bình luận về sự việc không chính xác, mơ hồ thể hiện quan điểm không khách quan đối với cơ quan chức năng đã nhanh chóng được lan truyền bởi đông đảo lượt chia sẻ. Nhiều ý kiến tỏ ra bức xúc và có những lời lẽ không hay với chính quyền. Vậy sự thật của vụ việc như thế nào ?

Thực tế, khu vực đất bị cưỡng chế, giải tỏa thuộc diện tích hơn 26 ha đã được UBND tỉnh giao cho Công ty TNHH Thủy điện Mê Kông II (gọi tắt là Công ty Mê Kông II, chủ đầu tư Dự án Nhà máy Thủy điện Đắk N’teng) quản lý, bảo vệ từ năm 2008. Theo quy hoạch, ngoài 3,5 km kênh dẫn dòng và hệ thống đường giao thông chạy dọc bờ kênh, công ty sẽ trồng rừng diện tích còn lại hơn 26 ha ở 2 bên bờ kênh để hình thành rừng phòng hộ nhằm tạo cảnh quan, ngăn ngừa xói mòn…

Người dân vẫn canh tác cây trồng trên phần đất UBND huyện Đắk Glong mới cưỡng chế tháng 6/2019

Theo Công ty Mê Kông II, vào thời điểm kênh dẫn dòng và đường giao thông hoàn thành (năm 2013), công ty tiến hành xuống giống keo lai thì một số người dân địa phương đã đến hủy hoại cây, lấn chiếm đất để canh tác. Công ty đã yêu cầu người dân trả lại đất nhưng họ không chấp hành, thậm chí còn gây hấn với người của đơn vị. Trước tình hình đó, công ty đã “cầu cứu” chính quyền địa phương.

Một vườn hồ tiêu mới được người dân khôi phục sau khi cưỡng chế

ADQuảng cáo

Sau khi nắm bắt vụ việc, UBND xã Quảng Sơn đã phối hợp với Công ty Mê Kông II kiểm tra, xử lý vụ việc. Khi có sự can thiệp của chính quyền, việc người dân lấn chiếm đất trái phép của công ty đã tạm lắng xuống nhưng chỉ được một thời gian ngắn lại diễn biến phức tạp hơn. Trước tình hình người dân mở rộng diện tích lấn chiếm, Công ty Mê Kông II tiếp tục kiến nghị lên các cấp chính quyền. Năm 2016, UBND xã Quảng Sơn đã xác định cụ thể 3 đối tượng có hành vi lấn chiếm trên 5 ha đất của công ty. Tuy nhiên, khi UBND xã Quảng Sơn yêu cầu các hộ dân trả lại hiện trạng thì họ không chấp hành nên xã đã báo cáo sự việc lên cấp trên.

Người dân dựng nhà lên phần đất lấn chiếm của Công ty Mê Kông II

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong Trần Nam Thuần, vào năm 2017, UBND huyện đã yêu cầu các phòng, ban chuyên môn cùng với chính quyền địa phương lập hồ sơ vụ việc. Quá trình xử lý vụ việc, chính quyền đã vận động, yêu cầu người dân trả lại đất cho công ty nhưng họ vẫn không chấp hành. Cuối năm 2018 và đầu năm 2019, UBND huyện Đắk Glong cũng nhiều lần mời các hộ dân lên trụ sở để đối thoại nhưng họ đều vắng mặt. Trước tình hình đó, UBND huyện Đắk Glong đã xây dựng phương án và tiến hành cưỡng chế. “Chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động các hộ dân tự nguyện trả lại đất và thận trọng trong các bước xử lý. Việc cưỡng chế theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh và thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Thủ tục và quá trình cưỡng chế được chúng tôi thực hiện đầy đủ trình tự theo đúng quy định của pháp luật”, ông Thuần khẳng định.

Rà soát toàn bộ diện tích đất của Công ty Mê Kông II

Để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và an ninh trật tự tại địa phương, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Đắk Glong vào cuộc kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm đất tại diện tích đã được giao cho Công ty Mê Kông II. Mới đây, UBND huyện Đắk Glong đã thành lập đoàn liên ngành (do Phòng TN&MT chủ trì) để kiểm tra, rà soát, xác minh thực địa hiện trạng sử dụng đất toàn bộ diện tích của Công ty Mê Kông II. Theo Trưởng phòng TN&MT Đắk Glong Phạm Hồng Thái, hiện đoàn đang xác minh mốc, ranh giới thực địa theo bản đồ đã được UBND tỉnh cho công ty này thuê đất. Trong thời gian này, đoàn liên ngành cũng sẽ xác định cụ thể các đối tượng đang lấn chiếm đất của công ty để lập hồ sơ xử lý theo quy định.

Mặc dù diện tích cưỡng chế là hơn 5 ha nhưng hiện UBND huyện Đắk Glong mới chỉ giải tỏa được khoảng 4,5 ha và đã bàn giao lại cho Công ty Mê Kông II quản lý, bảo vệ. Theo Trưởng phòng TN&MT huyện Đắk Glong Phạm Hồng Thái, diện tích còn lại nằm giáp với đất canh tác của một số người dân và đã bị họ xóa ranh giới. Do đó, huyện phải xác định lại mốc cụ thể mới tiến hành cưỡng chế dứt điểm, tuyệt đối không để xảy ra trường hợp cưỡng chế “nhầm” lên đất canh tác của người dân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việc cưỡng chế đất lấn chiếm tại Thủy điện Đắk N’teng đúng theo quy định của pháp luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO