Tình người và quy định pháp luật về quyền thăm nom, chăm sóc con

Linh Thư| 01/12/2016 09:16

Tình mẫu tử vốn thiêng liêng với tất cả mọi người. Với những ai sắp lìa xa cõi đời này thì tình cảm đó hẳn sẽ bùng lên mạnh hơn cả. Lương tâm và pháp luật không cho phép bất cứ ai vô cớ được phép chia lìa mẹ và con, nhất là khi biết họ không còn được sống bao lâu nữa.

ADQuảng cáo

Hạnh phúc bình dị và khát khao cuối đời

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh sinh ra trong một gia đình nông dân có 5 anh em. Gia đình khó khăn nhưng Hạnh còn bị thiệt thòi hơn khi thân thể không lành lặn như bao người. Chân trái bị cụt, nhiều đốt ngón tay và ngón chân cũng bị cụt. Niềm hạnh phúc làm vợ, làm mẹ tưởng chừng không đến được với Hạnh. Nhưng, năm 2012, chị và gia đình đã có được điều đó.

Chị kết hôn với anh Nguyễn Văn Tơ (33 tuổi), quê ở xã Tân Hòa, huyện Lai Vung (Đồng Tháp). Sau khi kết hôn, đôi vợ chồng trẻ cùng xây dựng tổ ấm trong căn nhà nhỏ do ba mẹ cho mượn. Năm 2013, chị Hạnh sinh con trai, đặt tên là Nguyễn Trọng Phúc. Cháu Phúc lanh lợi, khỏe mạnh, phát triển bình thường như những đứa trẻ khác. Cuộc sống tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng hạnh phúc đã đong đầy nơi gia đình nhỏ của họ ở thôn 4, xã Nhân Đạo (huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông).

Chị Hạnh (bên trái) đang chống chọi với ung thư giai đoạn cuối và khát khao được gặp con trai

Yên bình qua đi khi đầu năm 2016, chị Hạnh phát hiện bị ung thư vú giai đoạn cuối. Chị phải vào Bệnh viện Ung bướu (TP. Hồ Chí Minh) để điều trị. Bản thân phải nỗ lực chống chọi với bệnh tật nhưng người bệnh nào cũng cần có thêm sự động viên, an ủi của gia đình và người thân. Đúng lúc ấy, người chồng của chị bỏ đi. Không chỉ vậy, anh Tơ còn mang theo con trai về Đồng Tháp để cách ly với mẹ. Liên tiếp gặp phải những cú sốc tinh thần nên chị Hạnh ngày một tiều tụy, trong khi bệnh tật ở giai đoạn cuối không ngừng bào mòn sức lực.

Chị Hạnh thường xuyên liên lạc với anh Tơ để mong được gặp con, nhưng đều bị từ chối. Người thân của chị đã nhiều lần về Đồng Tháp trực tiếp gặp gỡ và mong anh Tơ cho mẹ con được gặp nhau trước khi chị Hạnh có thể ra đi bất cứ lúc nào. Vậy mà, tất cả đều không có kết quả. Lý do phía gia đình anh Tơ không thực hiện điều giản đơn ấy vì họ sợ mất đi quyền nuôi cháu Phúc.

"Tôi chỉ mong muốn được ở bên con trai trong những ngày cuối đời. Còn sau đó thì cho cháu về sống với gia đình chồng. Tôi đã nói rõ điều này rồi, nhưng không hiểu sao chồng tôi vẫn không chấp nhận", chị Hạnh đau đớn cho biết.

ADQuảng cáo

Tình người và quy định pháp luật

Không tuyệt vọng, thời gian qua, chị Hạnh đã có văn bản gửi đến chính quyền nơi gia đình anh Tơ đang ở (xã Tân Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) để nhờ can thiệp. Thế nhưng, cứ mỗi lần gia đình chị Hạnh cùng cán bộ xã Tân Hòa tới nhà thì anh Tơ lại bế cháu Phúc bỏ đi,  không gặp gỡ, làm việc.

Chị Hạnh nghẹn ngào: "Tâm nguyện được gặp con trai trước khi chết chắc là không được rồi. Tôi nhớ con vô cùng. Phúc là con trai do tôi đẻ ra và nuôi dưỡng. Vậy mà giờ đây tôi muốn gặp nó dù chỉ một lần thôi cũng không được...".

Sự ích kỷ và thiếu hiểu biết pháp luật làm con người trở nên nhỏ nhen. Tình người vì thế cũng vơi cạn. Mới đây, chị Hạnh đã nộp đơn ra Tòa án nhân dân huyện Lai Vung để xin li hôn với với anh Tơ. Chị mong muốn tòa án sẽ mang lại công bằng, cho chị được ở bên con trai trong những ngày ngắn ngủi còn lại của cuộc đời...

Bà Nguyễn Thị Xuân, Trợ giúp pháp lý viên (thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Đắk Nông) cho biết, theo quy định của pháp luật, cha hoặc mẹ đều có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc con. Quyền, nghĩa vụ ấy thì không ai được cản trở. Anh Tơ và chị Hạnh là vợ chồng hợp pháp, nên quyền được nuôi con là như nhau. Do đó, việc anh Tơ tự ý chiếm đoạt quyền nuôi con và cản trở chị Hạnh được gặp con là vi phạm pháp luật.

Bà Xuân cho biết thêm, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Đắk Nông sẽ có văn bản đề nghị Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Đồng Tháp cử người trợ giúp pháp lý miễn phí cho chị Hạnh. Khi tòa án tiến hành thụ lí vụ án và xử ly hôn thì Trung tâm sẽ tham gia bào chữa miễn phí cho phía chị Hạnh.

Có thể bị xử phạt hành chính

Điều 53, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ "Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình", quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tình người và quy định pháp luật về quyền thăm nom, chăm sóc con
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO