Nâng cao trách nhiệm kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm

Vũ Trang| 21/08/2019 09:46

Hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên công tác quản lý vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh Đắk Nông vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, dẫn đến các vi phạm liên quan đến ATTP vẫn chưa được giải quyết tận gốc. Điều này đang đòi hỏi các ngành, địa phương phải nâng cao trách nhiệm trong kiểm soát chất lượng ATTP, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

ADQuảng cáo

Đoàn kiểm tra Liên ngành ATTP tỉnh kiểm tra cơ sở sản xuất chanh dây ở phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa)

Còn nhiều khó khăn

Theo Ban Chỉ đạo Liên ngành ATTP tỉnh thì hiện nay, toàn tỉnh có 7.235 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, trong đó có 2.459 cơ sở do ngành Công thương quản lý, 1.300 cơ sở do ngành Nông nghiệp quản lý và 3.476 cơ sở do ngành Y tế quản lý. Mặc dù việc quản lý vấn đề ATTP đã được tách theo từng khâu, mỗi ngành chịu trách nhiệm toàn diện trên từng nhóm thực phẩm nhưng công tác quản lý vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.

Ông Nguyễn Tấn Thành, Chi cục Trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: “Hiện nay, hơn 50% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh nhỏ lẻ, không tập trung. Trong khi đó, nguồn nhân lực cũng như trang thiết bị, phương tiện làm việc về lĩnh vực ATTP còn thiếu, nhất là phòng kiểm nghiệm, dụng cụ, phương tiện phục vụ công tác lấy mẫu, kiểm nghiệm, kiểm tra nhanh...”.

Cụ thể, hiện nay nguồn nhân lực trực tiếp làm công tác ATTP thuộc cả 3 ngành Y tế, Công thương và Nông nghiệp chỉ có 143 người, giảm 24 người so với năm 2018. Tại tuyến cơ sở ngành Công thương, Nông nghiệp hầu như đều không có chuyên trách riêng về lĩnh vực ATTP. Còn ngành Y tế, ở 71 xã, phường, thị trấn cũng không có chuyên trách riêng về vệ sinh ATTP mà chỉ kiêm nhiệm. Điều này dẫn đến công tác truyền thông, giáo dục tại cộng đồng và thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định về ATTP chưa được triển khai thường xuyên mà chỉ tập trung trong những thời gian cao điểm như: Tháng hành động, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán...

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì đối với những thực phẩm do ngành quản lý như rau, quả, thịt, thủy sản... là những thực phẩm tươi sống nên phần lớn chưa có nhãn, mác, dấu hiệu nhận diện và thông tin về nguồn gốc xuất xứ. Khi phát hiện mẫu vi phạm, ngành chức năng rất khó truy xuất, xác định nguyên nhân và xử lý vi phạm do thiếu trang thiết bị, máy móc. Trong khi đó, việc lấy mẫu gửi đi phân tích phải mất vài ngày mới có kết quả, đến khi quay lại truy xuất nguồn gốc thì tất cả mẫu rau, củ, thịt... ngày hôm đó đã được bán hết. Việc quản lý vấn đề ATTP tại địa phương cũng gặp nhiều khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Lưu, Phó Chủ tịch UBND thị xã Gia Nghĩa chia sẻ: “Trên địa bàn thị xã ngoài 3 chợ dân sinh tại các phường Nghĩa Thành, Nghĩa Trung và Nghĩa Tân thì tại các trục đường, hoạt động buôn bán thực phẩm cũng diễn ra khá nhiều. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên việc kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng thực phẩm đầu vào tại các chợ và các điểm buôn bán còn khó khăn dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh ATTP, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng”.

ADQuảng cáo

Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP của tỉnh kiểm tra cơ sở dịch vụ ăn uống trên địa bàn huyện Đắk R'lấp

Siết chặt quản lý, xử lý nghiêm vi phạm

Tại hội nghị Sơ kết công tác ATTP 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 mới đây, vấn đề phát hiện vi phạm và xử lý vi phạm về ATTP được nhiều ngành, địa phương tham gia thảo luận, trao đổi thẳng thắn. Theo đó, hàng năm, các cơ quan chức năng của tỉnh đều tổ chức khoảng hơn 300 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về vấn đề bảo đảm ATTP từ tỉnh đến cơ sở.

Riêng ngành Y tế tỉnh trong 6 tháng đầu năm đã tổ chức 176 đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành và tiến hành kiểm tra 2.328 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn. Qua kiểm tra phát hiện 635 lượt cơ sở vi phạm các điều kiện ATTP; trong đó chỉ có 63 cơ sở bị xử lý vi phạm hành chính, chiếm khoảng 10%. Một số địa phương có tỷ lệ cơ sở vi phạm bị xử lý ít là Đắk R’lấp với 3,3%, Đắk Mil có 1,3% và Tuy Đức 0%. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho các cơ sở bị “nhờn thuốc”, thường xuyên lặp lại vi phạm.

Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thực thi từ ngày 1/7/2016 đã quy định rõ về tội vi phạm quy định về ATTP. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là sau xử lý phải giải quyết được "tận gốc" vấn đề.

Trao đổi tại hội nghị, ông Ngô Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil cho biết: “Vấn đề ATTP ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tín mạng người tiêu dùng, khi phát hiện vi phạm mà không xử phạt đồng nghĩa với việc buông lỏng quản lý. Do đó, nếu tuyên truyền vận động không được thì phải xử phạt, như vậy mới tạo được sự răn đe cần thiết. Đặc biệt, công tác phối hợp giữa các ngành, đơn vị trong lĩnh vực này cần phải chặt chẽ hơn nữa để hoạt động thanh, kiểm tra cũng như xử lý vi phạm đạt hiệu quả hơn”.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Ban chỉ đạo liên ngành ATTP của tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh, để ngăn chặn tận gốc thực phẩm “bẩn”, điều quan trọng nhất hiện nay là phải có sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Người dân, nhất là người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm phải nhận thức rõ vấn đề này, nâng cao trách nhiệm, góp phần bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, xã hội. Các ngành chức năng, địa phương phải thay đổi tư duy, cách làm, khắc phục khó khăn trong quản lý Nhà nước và ATTP. Ngành Y tế, Nông nghiệp và Công thương cần bàn bạc, thống nhất xây dựng kế hoạch, cơ chế phối hợp với các địa phương, đoàn thể để thực hiện các chiến dịch bảo đảm ATTP một cách quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả. Những giải pháp phù hợp để khuyến khích, nhân rộng các mô hình điểm về ATTP, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch cũng cần được quan tâm thực hiện.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao trách nhiệm kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO