Lập công ty “ma”, lừa bán hàng trên mạng

Hiền Ny| 16/09/2022 09:03

Mới đây, TAND huyện Đắk Mil xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Nguyễn Cảnh Hiệp, sinh năm 1995, quê Nghệ An, 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174, Bộ luật Hình sự.

ADQuảng cáo

"Giăng bẫy"

Theo cáo trạng, không có thu nhập ổn định, Hiệp nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng để lấy tiền tiêu xài. Nghĩ là làm, Hiệp đã mua chứng minh nhân dân mang tên Ngô Q. Th, sinh năm 1995, có địa chỉ thường trú tại TP. Thủ Dầu Một (Bình Dương). Hiệp dùng chứng minh nhân dân mua được đăng ký thành lập và mở tài khoản mang tên Công ty TNHH thương mại và sản xuất thép Sài Gòn CMC. Đồng thời, Hiệp mua tên miền cho công ty là “khothephinh.com”, hiển thị số điện thoại, zalo để liên hệ trong website là số 0906277*** và thuê chạy quảng cáo với giá 3,5 triệu đồng.

Khi khách hàng truy cập vào trang website có tên miền trên và liên hệ mua sắt thép, Hiệp sẽ báo giá thấp hơn thị trường để thu hút khách đặt mua. Hiệp yêu cầu khách hàng chuyển hết tiền hoặc đặt cọc 50% giá trị đơn hàng bằng hình thức chuyển khoản với số tài khoản của công ty. Sau khi nhận được tiền, Hiệp chặn mọi liên lạc với khách hàng rồi chuyển vào tài khoản mượn của người khác để rút ra tiêu xài cá nhân.

Tranh minh họa. Nguồn: internet

ADQuảng cáo

"Sập bẫy"

Anh Hồ T.Th.T, trú tại quận 11 (TP. Hồ Chí Minh) đang đi công tác tại thị trấn Đắk Mil (Đắk Mil) có sử dụng điện thoại truy cập internet tìm kiếm công ty kinh doanh sắt thép để đặt mua. Anh T đã liên hệ, trao đổi với Hiệp, đặt mua 8 cây kẽm hộp loại 50x100x2mm, dài 6m; 22 cây kẽm hộp loại 50x100x1.7mm, dài 6m và 80 cây kẽm vuông 30x30x1.4mm dài 6m. Hiệp soạn thảo bảng báo giá và giấy xác nhận đơn hàng đối với đơn hàng trên có tổng số tiền là hơn 22 triệu đồng. Để tạo lòng tin, Hiệp còn ghép hình con dấu đỏ của công ty kèm các thông tin số tài khoản, địa chỉ vào bảng báo giá rồi gửi cho anh T và yêu cầu đặt cọc 10 triệu đồng trước khi giao hàng.

Sau khi anh T đã tin tưởng đồng ý mua, chuyển tiền, Hiệp đã chặn mọi liên lạc với anh T, chiếm đoạt số tiền cọc nhận được. Biết bị lừa đảo, anh T đã đến cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đắk Mil để trình báo sự việc. Mở rộng điều tra, với thủ đoạn trên, Hiệp đã thực hiện 4 vụ lừa đảo, chiếm đoạt của 4 bị hại với tổng số tiền là hơn 45 triệu đồng.

Trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, Hiệp đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối lỗi về hành vi phạm tội của mình. Hiệp cũng tác động gia đình bồi thường tiền đã chiếm đoạt và được các bị hại làm đơn xin bãi nại.

Theo cơ quan chức năng, những năm qua, tội phạm trên không gian mạng diễn ra khá phổ biến. Mỗi người khi tham gia các giao dịch dân sự liên quan đến mua bán hàng hóa thì phải nắm rõ thông tin, uy tín bên bán hàng, giao dịch với mình trước khi chuyển tiền. Tốt nhất, người mua nên đến tận nơi bán hàng, giao dịch trực tiếp tránh trường hợp các đối tượng lợi dụng đưa ra những thông tin gian dối để chiếm đoạt tài sản, nhất là với các đơn hàng có giá trị lớn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lập công ty “ma”, lừa bán hàng trên mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO