Làm tốt nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát tư pháp để bảo vệ pháp luật và người dân

Phan Tuấn thực hiện| 21/07/2020 08:48

Nhân dịp 60 năm Ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân (26/7/1960-26/7/2020), phóng viên (P.V) Báo Đắk Nông có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Cường, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh Đắk Nông về quá trình xây dựng, trưởng thành và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành.

ADQuảng cáo

Ông Nguyễn Văn Cường

P.V: Ông có thể khái quát một số kết quả nổi bật của ngành KSND Đắk Nông trong thời gian qua?

Ông Nguyễn Văn Cường: Tính đến nay, Viện KSND 2 cấp ở tỉnh Đắk Nông đã trải qua 16 năm xây dựng và phát triển. Các thế hệ lãnh đạo, công chức và người lao động của ngành đã vượt lên muôn vàn khó khăn, thử thách, có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của ngành KSND.

Viện KSND tỉnh Đắk Nông đã cùng với các cơ quan bảo vệ pháp luật ở địa phương kịp thời đấu tranh, trấn áp có hiệu quả các loại tội phạm, góp phần tích cực vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Ngành Kiểm sát tỉnh Đắk Nông thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp. Viện KSND các cấp còn phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra và tòa án đẩy nhanh tiến độ giải quyết và xét xử nghiêm minh nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm.

Với những thành tích đã đạt được, ngành KSND tỉnh Đắk Nông đã được Đảng, Nhà nước, Viện KSND Tối cao và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Nông khen thưởng nhiều danh hiệu cao quý. Năm 2019, Viện KSND tỉnh Đắk Nông được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Hai; 3 lượt tập thể được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; 4 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì và hạng Ba; 2 tập thể được tặng Bằng khen của Chính phủ. Hàng trăm lượt tập thể, cá nhân của ngành Kiểm sát tỉnh Đắk Nông được Viện KSND Tối cao, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tặng Bằng khen, Cờ thi đua…

Kiểm sát viên tham gia khám nghiệm hiện trường các vụ án hình sự xảy ra trên địa bàn tỉnh

P.V: Một trong những nhiệm vụ lớn, trọng tâm của các cơ quan tư pháp hiện nay là thực hiện công tác cải cách tư pháp. Xin ông cho biết, thời gian qua, tiến trình này đã được ngành Kiểm sát tỉnh Đắk Nông thực hiện như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Cường: Đối với công tác cải cách tư pháp, thời gian qua, Viện KSND tỉnh Đắk Nông đã tập trung thực hiện có hiệu quả cả về chất và lượng. Hàng năm, Viện KSND tỉnh Đắk Nông đều xây dựng chương trình, kế hoạch trọng tâm về công tác cải cách tư pháp gắn với kế hoạch công tác năm của đơn vị.

Viện KSND đã đặt ra nhiều yêu cầu mới, cao hơn về chất lượng như: Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; nâng cao chất lượng kiểm sát hoạt động tư pháp. Viện KSND hai cấp đã tập trung nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa, bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo; quyền im lặng của bị can, bị cáo; ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can...

Cùng với việc tổ chức quán triệt thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chủ trương của Đảng, của ngành về “Tăng cường trách nhiệm công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra”, viện KSND đã kiểm sát 100% nguồn tin về tội phạm được cơ quan điều tra thụ lý, tăng cường kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết tin báo. Viện KSND đã góp phần để quản lý chặt chẽ thông tin về tình hình tội phạm, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án.

ADQuảng cáo

Viện KSND 2 cấp còn tập trung nâng cao trách nhiệm, chủ động bám sát quá trình điều tra, kịp thời đề ra yêu cầu điều tra để làm rõ tội phạm. Các đơn vị còn kiểm sát chặt chẽ việc thu thập chứng cứ, lập hồ sơ vụ án, chấn chỉnh kịp thời các vi phạm trong hoạt động điều tra, bảo đảm việc khởi tố, bắt, giam, giữ đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Mặt khác, viện KSND hai cấp thận trọng trong việc phê chuẩn, ban hành các lệnh, quyết định tố tụng, nhất là các lệnh, quyết định có liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân. Các đơn vị cũng kiên quyết không phê chuẩn hoặc hủy bỏ các quyết định tố tụng không có căn cứ, trái pháp luật, góp phần bảo đảm không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm và người phạm tội.

Chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa cũng không ngừng được nâng lên. Nhờ đó, đã góp phần hạn chế trường hợp bản án, quyết định của tòa án bị sửa hoặc hủy do lỗi của kiểm sát viên. Chất lượng kháng nghị, kiến nghị cũng được nâng cao cả về số lượng, chất lượng, kịp thời, bảo đảm yêu cầu chung.

Trong công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam, thi hành án, viện KSND hai cấp đã tăng cường kiểm sát trực tiếp, nhất là kiểm sát đột xuất cơ sở giam, giữ. Viện KSND hai cấp còn tập trung kiểm sát việc tuân thủ pháp luật trong công tác quản lý, giáo dục người chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ và các đối tượng tha tù trước thời hạn. Qua công tác kiểm sát đã kịp thời phát hiện, tổng hợp các vi phạm, kiên quyết ban hành kháng nghị, kiến nghị yêu cầu cơ quan chức năng khắc phục, phòng ngừa vi phạm.

Viện KSND đã xây dựng và đưa trang thông tin điện tử của ngành đi vào hoạt động để tăng cường thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Ngoài ra, viện KSND hai cấp còn tích cực tham gia góp ý, xây dựng các dự thảo luật, nghị định… đáp ứng yêu cầu thực tế.

Đồng chí Nguyễn Đình Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy

Ngành Kiểm sát phải giữ vững "Bản lĩnh - Kỷ cương - Trách nhiệm - Hiệu quả" 

Thời gian qua, ngành Kiểm sát đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, góp phần tích cực vào công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Viện KSND hai cấp đã tích cực đổi mới về tổ chức và hoạt động, nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Đơn vị đã chủ động phối hợp tốt với cơ quan chức năng kiểm sát chặt chẽ, đầy đủ công tác thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm. Công tác khởi tố, điều tra, áp dụng các biện pháp ngăn chặn; công tác xét xử, giải quyết vụ án… kịp thời, đúng quy định pháp luật. Ngành Kiểm sát đã góp phần từng bước khắc phục việc bỏ lọt tội phạm, hạn chế thấp nhất tình trạng oan, sai.

Ngoài ra, cũng phải thừa nhận rằng, ngành Kiểm sát còn một số hạn chế, thiếu sót như: Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, giải quyết nhiều vụ án chưa bảo đảm tiến độ đề ra, nhất là đối với một số vụ án liên quan tội phạm về kinh tế, tham nhũng, chức vụ; tỷ lệ trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn còn cao…

Do đó, ngành KSND tỉnh Đắk Nông cần nghiêm túc đánh giá những hạn chế, thiếu sót; phân tích rõ nguyên nhân để thấy được trách nhiệm của tập thể, cá nhân, từ đó đề ra các giải pháp phù hợp, hiệu quả. Ngành Kiểm sát cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả, chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Qua đó, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, xứng đáng với tinh thần “Bản lĩnh - Kỷ cương - Trách nhiệm - Hiệu quả” mà Tỉnh ủy Đắk Nông đã ghi nhận và trao tặng cho ngành KSND tỉnh nhà.

P.V: Thời gian qua, ngành Kiểm sát đã chú trọng như thế nào đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhất là năng lực thực hành quyền công tố, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Cường: Trước hết, đối với công tác chuyên môn, ngành Kiểm sát luôn nêu cao tinh thần cầu thị, luôn phấn đấu học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác. Ngành Kiểm sát đã tập trung xây dựng các thế hệ cán bộ có bản lĩnh và dũng khí đấu tranh bảo vệ công lý, pháp luật khi thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Mỗi cán bộ kiểm sát đã nêu cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp khi thực hiện nhiệm vụ.

Trải qua nhiều giai đoạn, viện KSND hai cấp đã từng bước chuẩn hóa về trình độ chuyên môn và lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của ngành. Thời gian qua, đã có hơn 577 lượt công chức kiểm sát trong tỉnh tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ do các cơ quan, đơn vị trong và ngoài ngành tổ chức. 100% công chức kiểm sát được tuyển dụng vào ngành đều được cử tham gia đào tạo nghiệp vụ kiểm sát... Nhờ vậy, trình độ công chức trong ngành ngày càng được chuẩn hóa và nâng cao, đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn chức vụ, chức danh theo quy định của ngành.

Viện KSND hai cấp đã tập trung nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa. Đây cũng là nội dung trọng tâm của công tác cải cách tư pháp. Thời gian qua, ngành Kiểm sát cũng thường xuyên phối hợp với ngành Tòa án tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm. Tại các phiên tòa, viện KSND hai cấp đã phân công các kiểm sát viên có năng lực thực hành quyền công tố tham dự rút kinh nghiệm. Những kiểm sát viên nào thực hành tốt quyền công tố tại phiên tòa sẽ được biểu dương, khen thưởng. Ngược lại, đơn vị cũng tổ chức rút kinh nghiệm, kiểm điểm nghiêm túc đối với những trường hợp thực hành quyền công tố kém chất lượng. Trên cơ sở đó, đơn vị sẽ bố trí, sử dụng kiểm sát viên vào từng khâu công tác phù hợp với năng lực của mỗi cá nhân.

Ngoài ra, viện KSND hai cấp còn quan tâm đến việc nâng cao phẩm chất đạo đức người cán bộ kiểm sát. Các đơn vị đã tập trung thực hiện tốt các cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; cán bộ kiểm sát học tập và làm theo 5 đức tính mà Bác Hồ đã dạy: “Công minh, Chính trực, Khách quan, Thận trọng, Khiêm tốn”...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm tốt nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát tư pháp để bảo vệ pháp luật và người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO