Hệ lụy dai dẳng từ các dự án nông lâm nghiệp (kỳ 3): Giao dễ, khó đòi

Lê Phước| 23/09/2021 06:40

Việc giao đất, giao rừng để thực hiện các dự án sản xuất nông lâm nghiệp của Đắk Nông và một số tỉnh thực hiện thiếu chặt chẽ. Do vậy, khi các dự án để mất rừng, địa phương khó xử lý “chủ rừng”.

ADQuảng cáo

Bàn giao trên giấy?

Tháng 7/2021, chúng tôi đến dự án sản xuất nông lâm nghiệp của HTX Hợp Tiến, xã Quảng Sơn. Từng vạt rừng bị cưa hạ, cây rừng bị đốt, cháy nham nhở, nằm la liệt. Dấu vết phá rừng mới, cũ đều có.

Ở những vạt rừng mới bị phá, dây thép gai đã cột dọc ngang làm dấu mốc. Cây trồng mọc lên bên cạnh những cây rừng vừa gục xuống. Lán trại, nhà rẫy thấp thoáng mọc lên trong các khu rẫy.

Rừng bị phá nham nhở tại dự án của HTX Hợp Tiến

Theo ông Nguyễn Đỗ Điệp, Giám đốc HTX Hợp Tiến, nguyên nhân rừng bị phá là do nhập nhằng về ranh giới. Bởi vì trước đây, các cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện giao đất, giao rừng chủ yếu… trên giấy.

Ông Điệp tâm sự: Dự án này được giao năm 2016. Lúc giao thì chỉ lấy 6 điểm tọa độ rồi khoanh lại thôi chứ không bàn giao trực tiếp tại hiện trường. Do bàn giao trên giấy nên khi HTX triển khai dự án mới biết nhiều diện tích rừng đã bị phá, đất rừng đã có chủ. Sờ vào chỗ nào cũng là đất đã có chủ. Chính quyền giao cho HTX không rành mạch nên mới xảy ra tranh chấp.

HTX Hợp Tiến thực hiện dự án trên diện tích hơn 1.200 ha, trong đó quản lý, bảo vệ 645 ha rừng. Thật bất ngờ khi sau hơn 5 năm, “chủ rừng” còn cho rằng mình chưa nắm được hết ranh giới (?). Vin vào đó, chủ dự án còn đổ lỗi cho việc rừng bị phá, bị lấn chiếm là do… sự lỏng lẻo trong việc bàn giao của cơ quan Nhà nước.

Không riêng gì dự án trên, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn Lê Đình Tuấn cho rằng, nhiều dự án nông, lâm nghiệp trên địa bàn không rà soát hiện trạng trước khi giao cho doanh nghiệp. Việc giao đất, giao rừng theo hình thức “khoanh trên bản đồ” đã làm xuất hiện những bất cập, tồn tại lớn từ khi bắt đầu triển khai các dự án.

Rừng bị mất, "chủ rừng" đổ lỗi cho chính quyền:

Nhiều vi phạm trong giao đất, giao rừng

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Đắk Nông, hiện có 41 Dự án/40 doanh nghiệp được UBND tỉnh giao đất, giao rừng để đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp. Trong tổng diện tích 32.767,3 ha thực hiện dự án, có 15.794 ha rừng được quy hoạch khoanh nuôi, quản lý bảo vệ.

Quá trình giao đất, giao rừng tại các dự án này đã xảy ra nhiều sai phạm. Những vi phạm này đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra trong Kết luận Thanh tra số 1969/KL-TTCP ngày 31/10/2019 về thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất nông lâm nghiệp tại một số công ty, doanh nghiệp được giao, thuê đất trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Thanh tra Chính phủ khẳng định, công tác giao đất, giao rừng để thực hiện các dự án nông lâm nghiệp tại Đắk Nông đã xảy ra vi phạm ngay từ đầu. Tỉnh đã bóc tách, thu hồi rừng và đất rừng từ các nông, lâm trường để bàn giao cho các đơn vị thực hiện dự án mà thiếu khảo sát hiện trạng.

Do thiếu kiểm tra, rà soát nên các ngành chức năng không nắm chắc được các đối tượng đang sử dụng đất trong diện tích thu hồi để có phương án giải quyết hợp lý. Đây là nguyên nhân dẫn đến những khiếu kiện, tranh chấp của chủ dự án với người dân.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra nhiều sai phạm trong giao đất, giao rừng để thực hiện các dự án. Cụ thể, có 18 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư khi chưa được thẩm định nhu cầu sử dụng đất, điều kiện cho thuê đất. Một số công ty, doanh nghiệp được giao, thuê đất nhưng không thực hiện nghĩa vụ tài chính. Toàn tỉnh có hơn 13.000 ha rừng chưa thực hiện các thủ tục và ký hợp đồng thuê rừng…

ADQuảng cáo

Thiệt hại rất lớn, xử lý hình sự rất hiếm

Theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ, tính đến tháng 5/2018, có trên 6.700 ha rừng tại các dự án sản xuất nông lâm nghiệp bị phá và trên 6.500 ha đất bị lấn chiếm. Phần lớn diện tích sau khi lấn chiếm đã bị người dân trồng cây công nghiệp dài ngày.

Hàng ngàn ha rừng tại các dự án nông lâm nghiệp đã bị chặt hạ, lấn chiếm

Năm 2020, Sở Nông nghiệp và PTNT Đắk Nông thanh tra 11 dự án nông lâm nghiệp với tổng diện tích thực hiện trên 12.800 ha rừng và đất rừng (trong đó có trên 4.600 ha rừng phải khoanh nuôi, bảo vệ).

Kết quả cho thấy, trên 1.200 ha rừng bị phá và hơn 3.200 ha đất bị lấn chiếm. Ở nhiều dự án, việc phá rừng đã diễn ra ở toàn bộ diện tích được giao quản lý, bảo vệ.

Đồ họa: N.T

Chưa có thống kê chính thức con số phá rừng và diện tích đất bị lấn chiếm tại các dự án sản xuất nông lâm nghiệp tại Đắk Nông. Nhưng nếu chúng ta thực hiện một bài toán đơn giản sẽ thấy thiệt hại không hề nhỏ.

Tính đến tháng 5/2018, tức là cách đây hơn 3 năm, có trên 6.700 ha rừng bị chặt phá. Nếu áp theo tiêu chí rừng nghèo (theo Thông tư số 34/2009 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Quy định tiêu chí xác định và phân loại rừng) với trữ lượng gỗ bình quân 50 m3/ha, số gỗ bị thiệt hại đã là trên 330.000 m3.

Còn áp theo tiêu chí rừng trung bình với trữ lượng gỗ bình quân 150 m3/ha, số gỗ thiệt hại là hơn 1 triệu m3. Chưa kể nhiều diện tích rừng giàu, trữ lượng gỗ lớn hơn đã bị chặt phá.

Ở góc độ quản lý Nhà nước, sau khi xảy ra sai phạm tại các dự án, nhiều cán bộ, lãnh đạo các cấp tại Đắk Nông đã phải chịu những hình thức kỷ luật cả về Đảng, về chính quyền. Một số cán bộ còn bị truy tố, xử lý trách nhiệm hình sự.

Nhưng đáng suy nghĩ là những doanh nghiệp buông lỏng quản lý, bảo vệ rừng thì gần như đứng ngoài cuộc về trách nhiệm. Hàng ngàn ha rừng bị phá, bị lấn chiếm nhưng đến nay, chưa có đơn vị nào bồi thường thiệt hại về rừng (dân sự) và rất hiếm trường hợp bị xử lý hình sự.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đắk Nông Phạm Tuấn Anh, hiện Sở đã rà soát, tính toán thiệt hại, tham mưu UBND tỉnh ban hành bồi thường thiệt hại đối với rừng bị phá tại các dự án nông lâm nghiệp. Tuy nhiên, việc này gặp nhiều khó khăn.

“Số tiền bồi thường lớn nhưng khả năng tài chính của một số doanh nghiệp không có. Hồ sơ pháp lý về thuê rừng chưa đầy đủ đã dẫn tới việc khó yêu cầu doanh nghiệp bồi thường thiệt hại về rừng. Nhiều doanh nghiệp đã phá sản và không thể liên hệ được”, ông Anh cho hay.

Không riêng gì ở Đắk Nông, một số dự án nông lâm nghiệp tại Đắk Lắk cũng gặp khó khi xử lý sai phạm của các doanh nghiệp được giao đất, giao rừng. Nguyên nhân chính là do chưa có chế tài mạnh để xử lý các doanh nghiệp đầu tư dự án để mất rừng. Nhiều tỉnh vẫn đang “loay hoay” trong việc xử lý trách nhiệm của những doanh nghiệp để rừng và tồn tại liên quan đến đất rừng bị lấn chiếm, tranh chấp.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, tính đến cuối năm 2019, Tây Nguyên có gần 345.000 ha đất lâm nghiệp đã bị lấn chiếm, đang sản xuất nông nghiệp. Ở Ðắk Nông, con số này là trên 67.000 ha. Con số này dựa trên kết quả báo cáo của lực lượng kiểm lâm và đang biến động theo xu hướng tăng.

Bức tranh tổng thể về các dự án nông lâm nghiệp ở Đắk Nông:

>> Kỳ cuối: Cần thêm sự quyết liệt

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hệ lụy dai dẳng từ các dự án nông lâm nghiệp (kỳ 3): Giao dễ, khó đòi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO