Hành vi tung tin đồn thất thiệt, trục lợi từ dịch bệnh sẽ bị xử phạt nặng

Linh Thư| 07/02/2020 09:20

Hiện nay, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới vi rút Corona gây ra đã tạo tâm lý lo lắng cho người dân. Xung quanh những diễn biến của dịch bệnh, một số cá nhân, đơn vị kinh doanh vì thiếu hiểu biết, do ham lợi nhất thời đã có những hành vi tung tin đồn thất thiệt, trục lợi từ dịch bệnh, gây ảnh hưởng xấu đến công tác phòng, chống dịch bệnh, vi phạm quy định của pháp luật.

ADQuảng cáo

Trước tâm lý bảo vệ sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh lây lan, nhu cầu mua khẩu trang y tế, nước sát khuẩn của người dân tăng đột biến. Từ nhu cầu của người dân, một số cá nhân, cơ sở kinh doanh đã tiến hành tăng giá bán khẩu trang, cồn sát khuẩn để trục lợi. Đáng nói hơn, nhiều cơ sở kinh doanh còn sẵn sàng treo biển hết hàng, từ chối bán các sản phẩm trên dù vẫn còn hàng để găm hàng, giữ hàng để bán khi được giá cao.

Đoàn kiểm tra của Sở Y tế tiến hành kiểm tra việc kinh doanh, buôn bán khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn tại các công ty, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Ngô Đồng

Theo quy định, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải niêm yết giá bán bằng các hình thức in, dán, ghi giá trên bảng, giấy hoặc bao bì sản phẩm để khách hàng có thể dễ dàng quan sát, nhận biết. Đồng thời, tổ chức, cá nhân không được mua, bán cao hơn giá được niêm yết. Trường hợp tổ chức, cá nhân có hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ sẽ bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng theo Điều 12, Nghị định số 109/2013/NĐ-CP. Tại Điều 17, Nghị định 109 cũng quy định rõ, hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, dịch bệnh và điều kiện bất thường để định giá mua, giá bán hàng hóa bất hợp lý sẽ bị xử phạt 20-30 triệu đồng.

ADQuảng cáo

Thực tế, trên cả nước, cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt hành chính nhiều cơ sở kinh doanh có hành vi găm hàng, tăng giá bán khẩu trang y tế, nước sát khuẩn để trục lợi, thậm chí có trường hợp còn bị rút giấy phép kinh doanh. Đơn cử, mới đây, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định xử phạt 20 triệu đồng và rút giấy phép hoạt động trong 3 tháng đối với nhà thuốc Mạnh Đức (TP. Buôn Ma Thuột) vì có hành vi găm hàng khẩu trang y tế khi trong kho nhà thuốc này có 39 hộp khẩu trang y tế loại 50 chiếc/ hộp nhưng lại thông báo hết hàng và không bán cho người dân có nhu cầu hỏi mua.

Bên cạnh đó, việc đăng tải, chia sẻ những thông tin thất thiệt, bịa đặt, chưa được kiểm chứng về dịch bệnh, gây hoang mang cho cộng đồng dù vô tình hay cố ý cũng đều là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Điểm a, Khoản 3, Điều 64, Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định rõ, xử phạt từ 10 - 15 triệu đồng đối với cá nhân, 20 - 30 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi sử dụng trang thông tin điện tử để cung cấp nội dung thông tin sai sự thật. Ngoài việc nộp phạt vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm còn buộc cải chính thông tin sai sự thật trên phương tiện thông tin đại chúng.

Vừa qua, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông đã tiến hành xử phạt hành chính 20 triệu đồng đối với 2 cá nhân ở tại TP. Gia Nghĩa vì có hành vi tung tin đồn sai sự thật về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới vi rút Corona gây ra. Quyết định xử phạt trên là điều cần thiết nhằm dập tắt những tin đồn vô căn cứ gây hoang mang trong dư luận về dịch bệnh cũng như chấn chỉnh mỗi người dân trong việc nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân với những thông tin do mình đăng tải, chia sẻ với cộng đồng trên mạng xã hội.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hành vi tung tin đồn thất thiệt, trục lợi từ dịch bệnh sẽ bị xử phạt nặng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO