Giúp người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng

Hoàng Thanh| 05/09/2019 14:41

Trong những năm qua, thực hiện Nghị định 80/CP của Chính phủ về quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, các cấp, ngành và người dân trên địa bàn toàn tỉnh đã chú trọng các giải pháp hỗ trợ, giúp người lầm lỡ sau khi trở về địa phương có điều kiện vươn lên.

ADQuảng cáo

Trao quyết định cho các phạm nhân được tha tù trước thời hạn năm 2018 tại Trại giam Đắk P'lao

Không phân biệt, kỳ thị

Anh Nguyễn Văn Dũng (SN 1984) ở phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) trước đây đã từng bị phạt 4 năm tù vì tội cướp giật tài sản. Anh Dũng tâm sự: “Tuổi trẻ bồng bột, trong một lần uống rượu say, tôi và hai người bạn đã cướp giật 1 sợi dây chuyền của một phụ nữ, khiến người này  không chỉ mất của mà còn bị ngã, thương tích rất nặng. Ân hận với hành động của mình, trong thời gian chấp hành án phạt, tôi đã cố gắng học tập cải tạo tốt và được tha tù trước thời hạn 1 năm”.

Theo anh Dũng, khó khăn nhất đối với những người như anh sợ nhất là khi trở về cuộc sống đời thường sẽ bị dị nghị, xa lánh. Tuy nhiên, trên thực tế sau khi trở về địa phương, được trả quyền công dân, mọi người không có thái độ phân biệt mà đối xử với anh rất tốt, thậm chí còn hơn người bình thường. Được gia đình và mọi người động viên, do học được nghề trong trại, anh mở một tiệm nhỏ sửa giày dép, cũng đủ trang trải cho cuộc sống.

Một thời gian sau, được một cô gái thương yêu kết duyên, anh Dũng có một gia đình nhỏ. Hiện nay, ngoài việc sửa chữa, anh còn bán thêm các loại giày dép nên thu nhập cũng ổn định. Anh Dũng tâm sự: “Tôi rất mừng là mọi người luôn đối xử tốt với mình, sẵn sàng giúp đỡ những lúc khó khăn. Thấy vợ tôi không có công ăn việc làm, Hội phụ nữ tổ dân phố đã quan tâm tạo điều kiện, chỉ cho cách làm ăn. Nhờ vậy, cuộc sống vợ chồng tôi tạm ổn, nuôi được hai cháu ăn học đàng hoàng”.

Anh Nguyễn Hữu Đạt (SN 1991), trú tại thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp) sau khi chấp hành án phạt tù cũng không ngừng nỗ lực trong cuộc sống. Năm 2011, Đạt đã tham gia vào một vụ đánh nhau gây thương tích và bị kết án 5 năm tù giam. Năm 2013, sau khi được đặc xá trở về địa phương, do bản thân không có công ăn việc làm ổn định nên việc hòa nhập cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Sau một thời gian, được sự động viên, giúp đỡ của người thân, ban tự quản khu phố, cảnh sát khu vực và chính quyền địa phương, Đạt từng bước xóa bỏ tự ti, mặc cảm, quyết tâm làm lại cuộc đời. Sẵn có tay nghề thợ sơn, Đạt đã chủ động cùng với một số bạn bè thành lập nhóm thợ chuyên nhận sơn, trang trí các công trình xây dựng.

ADQuảng cáo

Với sự nỗ lực và quyết tâm cao, công trình do Đạt cùng nhóm thợ sơn đứng ra nhận thầu luôn hoàn thành tốt, chất lượng, tạo dựng được uy tín với người dân và các chủ thầu trên địa bàn huyện... Nhóm thợ thường xuyên có từ 10 -12 người, được Đạt trả công theo mức độ tay nghề, với mức lương bình quân từ 10 - 15 triệu đồng/tháng. Qua đó, không chỉ tạo công ăn việc làm ổn định, thu nhập cho bản thân mà cả nhóm thợ được Đạt dẫn dắt, làm ăn lương thiện. Sau thời gian nỗ lực, đến nay Đạt đã có được một mái ấm gia đình ổn định, xây dựng được nhà cửa và lấy vợ là giáo viên.

Niềm vui của các phạm nhân trong vòng tay của người thân khi được tha tù trước thời hạn

Cần sự chung tay của cả cộng đồng

Theo Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp-Công an tỉnh, thời gian qua, với vai trò nòng cốt, đơn vị đã tham mưu Công an tỉnh phối hợp với các cấp, ngành triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp quản lý, giáo dục, hỗ trợ giúp người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng. Cùng với xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để tiếp cận được các nguồn vốn, đơn vị, địa phương còn tổ chức tư vấn, hướng nghiệp dạy nghề, giới thiệu việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương.

Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 300 người tái hòa nhập cộng đồng được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh và từ các nguồn quỹ khác; hơn 130 người được giới thiệu, bố trí việc làm ổn định. Hầu hết các trường hợp sau khi trở về địa phương đều an tâm tư tưởng, hòa nhập với cuộc sống, cộng đồng.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn không ít trường hợp sau khi trở về địa phương do thiếu sự quan tâm chăm sóc, động viên kịp thời của gia đình, người thân và chính quyền địa phương nên tiếp tục quay lại con đường phạm tội. Vì vậy, bên cạnh sự cố gắng nỗ lực của bản thân những người tái hòa nhập cộng đồng, chính quyền các cấp, các ban ngành, đoàn thể, gia đình cần có những giải pháp thiết thực, hiệu quả hơn nữa thường xuyên quan tâm hỗ trợ giúp đỡ, xây dựng các mô hình, quỹ hỗ trợ hoàn lương, giải quyết công ăn việc làm... Qua đó, góp phần hạn chế, ngăn chặn tình trạng người chấp hành xong án phạt tù tái phạm tội, vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giúp người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO