Có hay không "luật ngầm" của giới thu thuế?

Nhóm phóng viên| 14/07/2020 11:07

Sau khi lực lượng chức năng tỉnh Đắk Nông bắt một cán bộ thuế trên địa bàn thành phố Gia Nghĩa dùng quyền lực hù dọa một cửa hàng thì nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh phản ánh (xin giấu tên), cán bộ thu thuế đều có "luật ngầm", buộc họ chung chi để được bỏ qua những sai phạm, được giảm thuế hoặc để "yên thân" làm ăn. Từ đây đặt ra câu hỏi, có hay không tình trạng thất thu thuế Nhà nước đang diễn ra ở Đắk Nông?

ADQuảng cáo

Mới đây, một cán bộ thuế ở Gia Nghĩa đã bị bắt quả tang chiếm đoạt tiền của một hộ kinh doanh. Trường hợp này đã đặt ra những câu hỏi, liệu có tình trạng cán bộ thuế "lộng hành" với doanh nghiệp, cá nhân để "làm tiền", gây thất thoát thuế của Nhà nước?

Công an bắt quả tang cán bộ thuế Nguyễn Mạnh Nghĩa nhận tiền bất chính của hộ kinh doanh

"Chung chi là hiển nhiên"

Kinh doanh thời trang ngót 10 năm, chưa năm nào bà Đ.T.T H (Đắk Mil) thiếu khoản “bồi dưỡng” cho cán bộ thuế địa bàn. “Nói bồi dưỡng cho sang vậy thôi. Thực chất là mình phải chung chi để thuận lợi làm ăn. Tất cả các khoản thuế từ môn bài, thuế khoán… đều có quy định mức chung chi. Họ nói thẳng luôn, chứ không né tránh gì”, bà H khẳng định.

Theo lời bà H, nếu muốn giảm thuế môn bài, thuế hàng tháng xuống một chút, bắt buộc mình phải chung chi cho cán bộ thuế. Riêng thuế môn bài đầu năm, cơ sở phải chung chi cho cán bộ thuế địa bàn 500.000 đồng/người. "Hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ. Buôn bán ngày càng khó khăn. Bao nhiêu loại thuế, phí hàng tháng phải nộp. Đầu này chi một tý, đầu kia chi một tý, rốt cuộc người kinh doanh chẳng lời lãi bao nhiêu", bà H phàn nàn.

Cũng chung chi cho cán bộ thuế, nhưng đối với các doanh nghiệp, tình trạng này còn ghê gớm hơn nhiều. Bà N.T.M, kế toán một công ty TNHH trên địa bàn Đắk Song chia sẻ: “Doanh nghiệp có sai phạm phải chung chi là điều hiển nhiên. Còn đây, mỗi quý tự doanh nghiệp phải “bồi dưỡng” cho cán bộ thuế theo quy định ngầm từ trước. Có làm vậy, doanh nghiệp khỏi phiền hà, thuận lợi kinh doanh. Đây là điều không thể tránh khỏi rồi”.

Lý giải điều này, bà M chia sẻ thêm, trong hoạt động kinh doanh, không thể tránh khỏi sai sót. Nhỏ nhất như ngày, tháng ghi trong hoá đơn lỡ nhầm một chút cũng là sai phạm. Cán bộ thuế vin vào đó để bắt bẻ. Cái nào bỏ qua được lẽ ra bỏ qua, nhưng họ không làm thế. Còn vấn đề lớn hơn chút thì họ ra giá, buộc doanh nghiệp chung chi.

ADQuảng cáo

Cũng nói đến vấn đề chung chi cho cán bộ thuế, đại diện Công ty TNHH V.Q tiết lộ: “Ăn cơm còn rơi vãi, chứ đừng nói đến vấn đề sổ sách thuế không sai sót. Doanh nghiệp nào cũng biết "luật ngầm" và chịu chung chi. Nhỏ chi nhỏ, lớn chi lớn”.

Ngày 1/7/2020, cơ quan chức năng đã khởi tố, bắt tạm giam đối với Nguyễn Mạnh Nghĩa (SN 1980), Phó Đội trưởng Đội quản lý liên xã, phường số 1, Chi cục Thuế Gia Nghĩa - Đắk Glong, về hành vi “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Ông Nghĩa lợi dụng quyền hạn tự ý đến cơ sở kinh doanh H.M, phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) để kiểm tra. Tại đây, ông phát hiện có sai phạm về hóa đơn, chứng từ, nên dọa phạt chủ cơ sở 500 triệu đồng. Ông Nghĩa buộc chủ cơ sở H.M chung chi 10 triệu đồng để bỏ qua sai phạm. Sau đó ông Nghĩa đòi thêm 5 triệu đồng và khi đang nhận tiền thì bị công an bắt quả tang.

Biểu hiện thất thu thuế

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, đến hết năm 2019, toàn tỉnh có gần 26.400 hộ kinh doanh cá thể. Còn theo Cục Thuế tỉnh, thời điểm đầu năm 2020, toàn tỉnh chỉ có 8.050 hộ kinh doanh nằm trong diện đến ngưỡng chịu thuế (có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm). Còn số hộ nằm ngoài ngưỡng nộp thuế khoảng hơn 2.000 hộ (có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm).

Con số chênh lệch quá lớn về hộ kinh doanh (tương đương gần 1/3) giữa Cục Thống kê và Cục Thuế tỉnh đã khiến cho người dân, dư luận không khỏi nghi ngờ. Trong những điều nghi ngờ, người ta đặc biệt quan tâm tới việc vì sao số liệu về hộ kinh doanh do ngành Thuế công bố hàng năm đều thấp hơn rất nhiều so với cơ quan thống kê.

Lí giải vấn đề này, ông Nguyễn Duy Lập, Trưởng Phòng Nghiệp vụ, tổng hợp, dự toán (Cục Thuế tỉnh) cho hay: “Số liệu Cục Thống kê tỉnh bao gồm cả trường hợp như lái xe ôm, bán nước mía, nấu rượu... Còn riêng với cơ quan thuế, chúng tôi chỉ thống kê những hộ có địa điểm kinh doanh, giấy phép kinh doanh cụ thể. Cơ quan thuế dựa vào quy mô kinh doanh của các hộ. Những hộ doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm, chúng tôi không lập bộ thuế mà chỉ thống kê để theo dõi. Trong quá trình này, nếu quy mô kinh doanh ngày càng lớn, cơ quan thuế sẽ đưa vào lập bộ sau”.

Cũng theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh, năm 2019, tổng tiền thuế mà các hộ kinh doanh nộp vào ngân sách Nhà nước ở Đắk Nông là 55 tỷ đồng, chiếm khoảng 3% tổng thu ngân sách toàn tỉnh. Cứ cho rằng, Đắk Nông chỉ có 8.050 hộ kinh doanh đóng thuế thì bình quân năm 2019, mỗi hộ chỉ đóng 6.832.000 đồng, tức là hơn 569.000 đồng/tháng.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ngày 2/7 nhóm phóng viên chúng tôi đã đến đăng ký liên hệ làm việc với lãnh đạo Cục Thuế tỉnh, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có hay không "luật ngầm" của giới thu thuế?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO