Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự sẽ bị xử lý hình sự

Hiền Ny| 02/07/2021 09:04

Vì tiền, nhiều đối tượng đã bất chấp quy định của pháp luật để cho vay lãi nặng nhằm thu lợi bất chính. Hành vi cho vay lãi nặng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây nguy hiểm cho xã hội, làm gia tăng tội phạm khác, gây mất an ninh trật tự tại địa phương. Việc xử lý hình sự đối với các hành vi "cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” là hết sức cần thiết, có tác dụng răn đe, giáo dục các đối tượng.

ADQuảng cáo

Giao dịch vay mượn tiền có tính lãi là giao dịch dân sự diễn ra thường xuyên trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, việc người cho vay tính lãi suất quá cao đối với người vay là hành vi vi phạm pháp luật.

Thực tế, cơ quan chức năng đã tiến hành xử lý hình sự đối với nhiều đối tượng vì tội cho vay lãi nặng. Ngày 10/6 vừa qua, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đắk Nông đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với Lê Thị N, trú tại xã Đắk R’la (Đắk Mil) về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Qua điều tra, N mở dịch vụ cầm đồ và cho vay tiền lấy lãi trên địa bàn huyện. N đã cho Nguyễn Thị Phương T vay tiền 4 lần tổng cộng 3,02 tỷ đồng với lãi suất 3.000 đồng/triệu/ngày, bằng 109,5%/năm, gấp 5,5 lần so với quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự (theo luật không vượt quá 20%/năm). N lấy tổng cộng 419,28 triệu đồng tiền lãi của 4 khoản vay trên, trong đó, lãi vượt quy định và thu lợi bất chính là 327.844.880 đồng.

Việc vay tiền và trả lãi giữa N và bà T có giấy tờ ghi chép rõ ràng, phù hợp với diễn biến quá trình hai bên thực hiện giao dịch. N bị khởi tố điều tra, xử lý theo quy định tại khoản 2, Điều 2021 Bộ luật Hình sự.

ADQuảng cáo

Vì cho vay lãi nặng, Đỗ Thị Th, trú tại xã Trường Xuân (Đắk Song) đã bị Tòa án Nhân dân huyện Đắk Song tiến hành xét xử hình sự và xử phạt 50 triệu đồng. Cụ thể, Th biết một số hộ dân trên địa bàn xã có nhu cầu vay tiền nên đã lấy tiền của mình để cho vay và thu lãi cao hơn gấp nhiều lần so với lãi suất quy định.

Khi người dân có nhu cầu vay tiền, Th sẽ thỏa thuận rồi viết vào sổ với nội dung thời gian vay, số tiền vay để người vay ký nhận vào sổ. Hai bên cùng thỏa thuận miệng về việc trả lãi suất và hình thức trả lãi. Trong 2 năm 2019-2020, Th đã nhiều lần thực hiện giao dịch cho vay lãi nặng tại nhà với tổng số tiền 277 triệu đồng để cho 6 người dân trên địa bàn xã vay với lãi suất từ 5.000 -10.000 đồng/triệu/ngày. Tổng cộng, Th đã thu lợi bất chính số tiền hơn 43 triệu đồng.

Vì khó khăn, nhiều người dân sẵn sàng vay "nóng" dù phải trả lãi suất cao để có thể mượn được tiền giải quyết công việc. Tuy nhiên, việc người cho vay lợi dụng sự khó khăn của người khác để cho vay lãi suất cao gấp nhiều lần quy định là việc làm vô đạo đức, vi phạm pháp luật. Việc cho vay lãi nặng khiến người vay phải chịu mức lãi suất quá cao khó lòng trả được tiền và lãi đã vay. Từ đây, nhiều người cho vay đã thuê các đối tượng đến đe dọa, thậm chí đánh người gây thương tích để đòi nợ, siết nợ người vay, để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng, mất an ninh trật tự trên địa bàn.

“Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” được quy định tại Điều 201, Bộ luật Hình sự năm 2015. Cụ thể, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là hành vi cho người khác vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự và thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đồng trở lên hoặc dưới 30 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này. Người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc chịu mức phạt lên đến 3 năm tù.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự sẽ bị xử lý hình sự
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO