Nông dân có thu nhập cao từ trồng hồ tiêu
Cập nhật: 09/07/2014 | 09:30
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng trên 11.300 ha hồ tiêu, năng suất tiêu toàn tỉnh bình quân đạt từ 2,5-3 tấn/ha, sản lượng ước đạt khoảng 13.479 tấn/năm.
Trong những năm qua, thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã định hình những vùng sản xuất hồ tiêu tập trung lớn như Đắk R’lấp, Đắk Song, Chư Jút…
![]() |
Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, 1 ha hồ tiêu của gia đình ông Nguyễn Trường Lâm cho năng suất khoảng 7 tấn tiêu nhân |
Gia đình ông Phạm Hồng Nhật, thôn 3, xã Nâm N’Jang (Đắk Song) có 12 ha tiêu, trong đó có 5 ha đã cho thu hoạch; năm nay, đạt sản lượng gần 30 tấn, thu lời hàng tỷ đồng. Gia đình ông Lý Văn Hiến ở thôn 1, xã Chư K’nia (Chư Jút) có gần 1,5 ha tiêu, cho thu hoạch mỗi năm xấp xỉ 9 tấn tiêu, trừ các khoảng chi phí, thu lãi từ 500-700 triệu đồng.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Trường Lâm ở thôn 1, xã Chư K’nia (Chư Jút) cũng đã có 1 ha cho thu hoạch, với dự kiến sản lượng đạt khoảng 7 tấn tiêu nhân. Theo ông Lâm, việc trồng tiêu sử dụng ít công lao động, lãi nhiều, tận dụng được công lao động nhàn rỗi trong sản xuất nông nghiệp nên rất phù hợp với điều kiện của những người nông dân. Phát huy ưu điểm đó, sau mỗi vụ thu hoạch, ông Lâm thường tiến hành bón đủ lượng phân chuồng và các loại phân NPK, đồng thời, chủ động phòng trừ các loại sâu bệnh và thu hoạch theo đúng quy trình kỹ thuật. Nhờ đó, với vườn tiêu của gia đình ông sinh trưởng, phát triển tốt trong điều kiện thời tiết, môi trường sản xuất luôn phát sinh nhiều yếu tố bất thuận.
![]() |
Gia đình ông Lý Văn Hiến đã thu lãi từ 500 – 700 triệu đồng nhờ trồng tiêu |
Trong những năm qua, bên cạnh việc tiếp thu, học hỏi những kiến thức khoa học kỹ thuật vào canh tác cây tiêu, nhiều hộ nông dân trong tỉnh còn áp dụng rộng rãi các mô hình trồng tiêu trên trụ sống, trụ bê tông để giảm chi phí đầu tư cũng như cải thiện môi trường sinh thái… Việc trồng xen cây lạc dại trong vườn đã giúp cho cây tiêu phát triển tốt, khống chế được cỏ dại ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, ổn định đạm trong đất... Không những thế, cây lạc dại còn giúp giữ độ ẩm cho cây trồng, tiết ra nhiều axit sinh học làm giảm mạnh các loại nấm hại và tuyến trùng trong đất gây sâu bệnh trên cây tiêu. Việc trồng tiêu trên một số trụ cây sống như cây keo lai, muồng, cây hông, lồng mức… đã giúp bà con thuận lợi hơn trong việc mở rộng diện tích.
![]() |
Người dân xã Đắk D’rông (Chư Jút) trồng tiêu mang lại hiệu quả cao nhờ sử dụng trụ cây sống |
Ngoài ra, thông qua các lớp tập huấn trồng và chăm sóc hồ tiêu, nông dân ở các huyện Ðắk R’lấp, Ðắk Song, Chư Jút, thị xã Gia Nghĩa… đã có điều kiện tham khảo và nhận biết được loại nấm Phytophthora Capsici là tác nhân gây bệnh sưng cổ rễ làm cho cây sinh trưởng kém, còi cọc là nguyên nhân của bệnh chết chậm, chết nhanh trên cây tiêu. Từ đó, bà con đã biết cách sử dụng đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời gian để diệt trừ các tác nhân gây bệnh cho cây tiêu…
Bài, ảnh: Văn Tâm
- Hình thành vùng sản xuất cà phê công nghệ cao ở Thuận An
- Ban hành tiêu chí đánh giá vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
- Krông Nô tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
- Tiếp tục chú trọng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp
- Gia Nghĩa phê duyệt 1,494 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao năm 2020
- Gia Nghĩa tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
- Nông nghiệp công nghệ cao: Nền tảng cho nền nông nghiệp thông minh
- Nhiều lợi ích từ tưới nhỏ giọt cho cà phê
- Mô hình trồng cà chua VietGAP trong nhà kính đầu tiên ở Quảng Tâm đạt kết quả cao
- Nông dân Đắk Mil đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp