Vấn đề liên kết trong phát triển cây ăn trái

Bài, ảnh: Hồng Thoan| 28/03/2022 10:39

Đắk Nông có diện tích cây ăn trái khá lớn. Tuy nhiên, việc sản xuất cây ăn trái chủ yếu diễn ra theo hình thức manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết. Do đó, việc xây dựng vùng nguyên liệu trái cây quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường là điều rất cần thiết hiện nay.

ADQuảng cáo

Tại TP. Gia Nghĩa, hiện có nhiều trang trại, hộ dân đầu tư phát triển các loại cây ăn trái như sầu riêng, bơ, cam, quýt. Tuy nhiên, việc sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng tốt các yêu cầu của các đơn vị thu mua, chế biến.

Bà Lầu Kiều Vân, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân (Gia Nghĩa) cho biết, công ty đã thu mua, chế biến các sản phẩm trái cây như chanh dây, sầu riêng nhiều năm nay.

Thế nhưng, công ty thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu chất lượng. Điển hình như năm 2021, khi nông dân nhiều nơi gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm vì cung vượt cầu, nhưng công ty vẫn thiếu hàng sản xuất.

Đắk Nông đang hình thành một số vùng sản xuất sầu riêng tập trung, quy mô lớn

Theo bà Vân, điều nghịch lý là nguồn hàng trái cây chất lượng là rất ít. Còn hàng kém chất lượng thì dư thừa ngoài thị trường. Bởi vì, phần lớn nông dân sản xuất các loại trái cây theo kiểu tự phát, không có sự liên kết, nên không bảo đảm chất lượng.

Xây dựng các vùng nguyên liệu chất lượng, quy mô hàng hóa tập trung là điều kiện để có thể giải quyết bài toán cung - cầu cho sản phẩm trái cây của tỉnh. Điều này đòi hỏi các cấp, các ngành chức năng tiếp tục tổ chức nghiên cứu, đưa ra giải pháp sản xuất phù hợp. Trong đó, việc tổ chức lại sản xuất theo vùng lợi thế, với các định hướng như cùng loại giống, cùng kỹ thuật, cùng đạt các yêu cầu về chất lượng...

Còn theo ông Đinh Cao Khuê, Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, công ty đánh giá cao về chất lượng các loại trái cây sản xuất trên địa bàn Đắk Nông.

ADQuảng cáo

Tuy nhiên, để sản xuất trái cây theo quy mô hàng hóa, Đắk Nông cần xây dựng các vùng canh tác tập trung, với các bộ giống phù hợp. "Tỉnh cũng cần khắc phục tình trạng loại nào cũng có, nhưng mỗi thứ một ít như hiện nay", ông Khuê chia sẻ.

Hiện nay, diện tích cây ăn trái đạt mức 15.200 ha, tăng khoảng 2.700 ha so với năm 2020. Trong đó, sầu riêng và bơ là hai loại cây có diện tích, sản lượng lớn nhất. Cụ thể, sầu riêng trên 3.700 ha, sản lượng trên 24.600 tấn; bơ trên 3.000 ha, sản lượng trên 20.700 tấn.

Theo Sở NN - PTNT, diện tích cây ăn trái của tỉnh đang tăng lên hàng năm. Thế nhưng, những năm gần đây, trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cung vượt cầu, sản xuất thiếu liên kết, một số sản phẩm trái cây của tỉnh phải chịu cảnh thất bát, thu nhập của người dân vì thế mà bấp bênh.

Hiện nay, tỉnh đang đẩy mạnh các hoạt động tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất. Trong đó, tỉnh định hướng xây dựng các vùng sản xuất cây ăn trái tập trung theo lợi thế. Tỉnh đặc biệt quan tâm xây dựng các mối liên kết với doanh nghiệp để chế biến, bao tiêu sản phẩm cho cây ăn trái.

Sản phẩm nhỏ lẻ, thiếu đồng đều về chất lượng đang là khâu yếu trong sản xuất cây ăn trái hiện nay

Trên địa bàn tỉnh đang hình thành một số vùng trồng cây ăn trái tập trung như sầu riêng ở TP. Gia Nghĩa, Đắk Mil; cây có múi ở Đắk Glong, Đắk Song, TP. Gia Nghĩa; vùng xoài ở Đắk Mil; chanh dây ở các huyện Đắk R’lấp, Đắk Glong, TP. Gia Nghĩa; bơ ở Tuy Đức, Krông Nô, Đắk Song, Đắk Mil…

Người dân đã và đang có những chuyển dịch lớn trong tư duy phát triển cây ăn trái. Cụ thể, phần lớn bà con nông dân đã sản xuất sản phẩm an toàn, đạt các chứng nhận hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP...

Nhiều sản phẩm trái cây của nông dân có truy xuất nguồn gốc, đồng đều về mẫu mã và được liên kết, hợp tác với doanh nghiệp để bao tiêu đầu ra. Một số trang trại trồng cây ăn trái quy mô lớn như Gia Trung, Gia Ân, Thu Thủy... đã sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đây là tiền đề để tỉnh tiếp tục xây dựng các vùng sản xuất cây ăn trái quy mô lớn, theo hướng hàng hóa trong thời gian tới.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vấn đề liên kết trong phát triển cây ăn trái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO