Tín dụng tiếp tục “chảy” vào nông nghiệp, nông thôn

Nguyễn Lương| 04/01/2023 06:25

Năm 2022, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn được các tổ chức tín dụng trên địa bàn ưu tiên nguồn vốn. Nhiều chương trình, gói vay ưu đãi triển khai đã “tiếp sức” cho người dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

ADQuảng cáo

Nhiều đơn vị tiên phong

Ngân hàng BIDV Chi nhánh Đắk Nông là một trong những đơn vị tiên phong triển khai nhiều gói ưu đãi cho "kênh" nông nghiệp.

Theo ông Lê Văn Cường, Giám đốc Chi nhánh BIDV Đắk Nông, Chi nhánh đã triển khai các gói tín dụng kịp thời, ưu đãi về lãi suất cho người dân, doanh nghiệp. Trong đó, phải kể đến chính sách ưu đãi về ân hạn thời gian vay dành cho bà con nông dân.

Đối với gói vay này, khi người dân vay vốn tại BIDV phục vụ sản xuất cây công nghiệp lâu năm sẽ được thực hiện ân hạn đến 4 năm. Đây là chương trình có ý nghĩa rất lớn đối với người dân.

Cũng theo ông Cường, trong điều kiện các ngân hàng trên địa bàn hết “room”, BIDV đã xin hội sở chính nới rộng tăng trưởng từ 3-4% nữa.

Nguồn vốn tín dụng vẫn được các ngân hàng ưu tiên cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn

Đây là nỗ lực của chi nhánh để tạo điều kiện thêm cho nhiều người dân thêm cơ hội vay vốn. Đến cuối năm 2022, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại BIDV chiếm trên 70% dư nợ tại đơn vị.

Cũng là đơn vị “đầu tàu” cho vay trong lĩnh vực này, năm 2022, Ngân hàng Agribank Chi nhánh Đắk Nông đã triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.

Tính đến hết năm 2022, dư nợ cho vay tại đơn vị là gần 12.000 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm hơn 81%.

ADQuảng cáo

Đến hết 31/12/2022, tổng dư nợ cho vay toàn ngành Ngân hàng đối với nền kinh tế trên địa bàn là 39.378 tỷ đồng, tăng 14% so với thời điểm đầu năm 2022. Nguồn vốn huy động trong toàn ngành được trên 17.200 tỷ đồng, tăng 18,12% so với thời điểm 31/12/2021. So với mọi năm, mức tăng trưởng này khá cao.

Vẫn tập trung vào nông nghiệp, nông thôn

Để “khơi thông” nguồn vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, các tổ chức tín dụng tích cực tìm kiếm khách hàng, nhất là khối khách hàng doanh nghiệp, hộ nông dân. Nhiều chương trình, chính sách ưu đãi về lãi suất, thời hạn vay cũng được các ngân hàng triển khai áp dụng.

Cùng với nông nghiệp, nông thôn, nhiều lĩnh vực ưu tiên khác cũng được các tổ chức tín dụng tăng cường nguồn vốn để phát triển như: cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa; cho vay tái canh cà phê…

Thêm nguồn vốn vay, người dân mở rộng quy mô sản xuất

Cùng với tập trung vốn lĩnh vực ưu tiên, nhiều chủ trương, chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã được ngành ngân hàng trên địa bàn triển khai kịp thời. Chính sách sớm đi vào thực tiễn đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Đơn cử như chính sách thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, ngày 20/5/2022 của Chính phủ. Với giải pháp này, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hỗ trợ 2% lãi suất khi vay vốn tại ngân hàng thương mại. Ngay khi có chủ trương, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã vào cuộc hỗ trợ cho khách hàng.

Theo ông Hoàng Văn Minh, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, đơn vị đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, đánh giá tình hình thực tiễn để hỗ trợ khách hàng. Chi nhánh đã đề xuất Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nới "room" để các tổ chức tín dụng nâng mức tăng trưởng.

“Tăng trưởng được nới rộng chỉ là một phần. Quan trọng hơn khi nới "room", nhiều doanh nghiệp, người dân trên địa bàn sẽ có cơ hội tiếp cận nguồn vốn. Từ đây, hoạt động sản xuất, kinh doanh được đầu tư kịp thời sẽ phát triển ổn định hơn”, ông Minh khẳng định.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tín dụng tiếp tục “chảy” vào nông nghiệp, nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO