Tạo đột phá về giống trong tái cơ cấu nông nghiệp

Hồng Thoan| 17/02/2022 08:56

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra nhiệm vụ phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiệu quả, chất lượng, giá trị gia tăng cao. Trong đó, tỉnh xác định, phải tạo đột phá trong khâu phát triển giống cây trồng, vật nuôi.

ADQuảng cáo

Những năm qua, hoạt động tuyển chọn, nhân giống cây trồng, vật nuôi đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành quan tâm. Các ngành chức năng cũng đã có những nỗ lực vượt bậc trong công tác này.

Trong lĩnh vực trồng trọt, tỉnh đã công nhận 8 cây đầu dòng, 2 vườn đầu dòng gồm bơ, cà phê, chanh dây. Đối với chăn nuôi, tỉnh có một số doanh nghiệp sản xuất con giống, nhất là giống heo, với quy mô lớn tại Cư Jút, Đắk R’lấp...

Trung tâm giống thủy sản tỉnh tại Đắk Mil đi vào hoạt động, góp phần bảo tồn, nhân giống phục vụ thị trường. Trong đó, một số loại cá giống như chép, diêu hồng, trắm, lăng... đã được Trung tâm cung cấp với số lượng lớn.

Giống cà phê dây có năng suất, chất lượng cao đang được người dân Đắk Mil nhân rộng

Ngành chức năng, các địa phương đã hướng dẫn, hỗ trợ để người dân đưa nhiều loại giống mới được Bộ NN - PTNT công nhận vào sản xuất hiệu quả. Điển hình như trên các cánh đồng trồng lúa, ngô, rau màu ở huyện Krông Nô, người dân sử dụng các giống mới đã đem lại hiệu quả vượt trội so với trước đây.

Theo bà Phan Thị Hải, thôn Xuyên Phước, xã Đức Xuyên (Krông Nô), bà đã trồng các giống ngô lai từ 5 năm nay. Hằng năm, với 2 ha ngô, gia đình thu về mức lãi khoảng 100 triệu đồng/1 vụ, cao hơn các giống cũ khoảng 30 triệu đồng.

Bà Hải cho biết: “Giống tốt đã giúp gia đình nâng cao năng suất, cùng với đó, chất lượng sản phẩm cao hơn, cây trồng ít chịu ảnh hưởng bởi thời tiết, sâu bệnh”.

Nhờ nguồn giống tốt, nên sản phẩm của HTX Nông lâm dược liệu Thịnh Phát (Đắk Glong) đồng đều, có chất lượng

ADQuảng cáo

Dù đã có nhiều thay đổi, thế nhưng, theo đánh giá của UBND tỉnh, khâu giống vẫn còn là điểm yếu trong sản xuất nông nghiệp. Tình trạng kinh doanh giống không rõ nguồn gốc, chất lượng kém đã và đang gây ra không ít hệ lụy cho người trồng trọt, chăn nuôi.

Trên địa bàn tỉnh có hàng trăm điểm sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi, nhưng phần lớn hoạt động theo thời vụ. Số cơ sở đăng ký hoạt động, kinh doanh giống ổn định, đạt chất lượng không nhiều.

Cụ thể, năm 2021, toàn tỉnh có trên 250 cơ sở, điểm sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi, nhưng số cơ sở có đăng ký, có giấy phép hoạt động chỉ chiếm khoảng 1/3.

Điều này đã gây ra nhiều khó khăn, thiệt hại lớn cho người dân về kinh tế. Thậm chí, còn làm ảnh hưởng tới quá trình tái thiết, phát triển chung của ngành Nông nghiệp.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh cây giống trên địa bàn tỉnh chưa được kiểm soát tốt

Theo ông Nguyễn Văn Trung, thôn Tân Hiệp, xã Đắk R’Moan (Gia Nghĩa), gia đình trồng xen 2 ha cây ăn quả gồm cam, quýt, sầu riêng, bơ. Dù được chăm sóc tốt, nhưng do nguồn giống không bảo đảm, nên nhiều cây bị chết, đến giai đoạn cho quả thì năng suất thấp, chất lượng sản phẩm kém.

Theo ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, hai năm gần đây, công tác bảo đảm chất lượng nguồn giống đã được tỉnh quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Trong đó, tỉnh chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương siết chặt việc kiểm tra, kiểm soát thị trường để bảo đảm giống cây trồng, vật nuôi có nguồn gốc, xuất xứ, đạt chất lượng.

Cũng theo ông Yên, để tái cơ cấu ngành Nông nghiệp hiệu quả hơn, giai đoạn 2020-2025, tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai việc nghiên cứu, chuyển giao, áp dụng các giống đạt tiêu chuẩn, gắn với khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến đầu tư, nghiên cứu, sản xuất cây, con giống đạt tiêu chuẩn, giống đặc sản. Việc xây dựng các vùng trồng phù hợp với các giống cụ thể được tính đến, mục tiêu là tạo sự đồng đều từ giống, quy trình chăm sóc và sản phẩm...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo đột phá về giống trong tái cơ cấu nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO