Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch

Lê Dung| 08/03/2022 09:00

Việc xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP không những thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển bền vững mà còn phục vụ phát triển ngành du lịch, tạo dựng thương hiệu cho hàng hóa tỉnh Đắk Nông.

ADQuảng cáo

Đa dạng các sản phẩm

Theo Sở NN - PTNT, toàn tỉnh hiện có 52 sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng từ 3 sao trở lên. Trong đó có 6 sản phẩm đạt 4 sao. Các sản phẩm OCOP đều được sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn tiên tiến như VietGAP, hữu cơ, HACCP; có chất lượng tốt, mẫu mã bắt mắt.

Nhiều sản phẩm đã gắn bó với tên tuổi của từng địa phương như: xoài Đắk Gằn; gạo Buôn Choáh Krông Nô; cam, quýt núi lửa Krông Nô…

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức được các chương trình du lịch liên huyện, thành phố. Tỉnh cũng đang triển khai 3 tuyến du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn, trong đó có lồng ghép quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP.

Sản phẩm OCOP của HTX Sản xuất nông nghiệp hữu cơ Quảng Phú (Krông Nô)

Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Cà phê Bazan Đắk Nông (Gia Nghĩa) cho biết, công ty đang tập trung mọi nguồn lực xây dựng, hoàn thiện các sản phẩm từ ca cao thông qua hoạt động du lịch trải nghiệm lồng ghép với văn hóa địa phương.

Du khách có thể đến tham quan nhà xưởng sản xuất, quy trình chế biến và trực tiếp thực hiện các công đoạn làm ra sản phẩm ca cao. Từ đó giúp sản phẩm được giới thiệu sâu rộng đến khách hàng trong và ngoài tỉnh nhiều hơn.

Hiện nay, một số HTX, địa phương đã kết hợp cung cấp dịch vụ du lịch thông qua hoạt động sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, tại Krông Nô, các mô hình trồng nấm, sản xuất cà phê hữu cơ; HTX Buôn Choáh sản xuất gạo; HTX Dịch vụ bơ núi lửa sản xuất bơ; HTX Hữu cơ An Tâm với mô hình cây ăn trái hữu cơ kết hợp tham quan, du lịch sinh thái…

Các sản phẩm OCOP được tham gia quảng bá tại các sự kiện của tỉnh

ADQuảng cáo

Nhiều sản phẩm OCOP được sản xuất với quy mô lớn như: gạo Buôn Choáh Krông Nô với 538 ha; cam, quýt núi lửa Krông Nô với 34 ha; xoài Đắk Gằn với 215 ha; tiêu đen Nam Bình Tiến với 160 ha; ca cao, sô cô la Duy Nghĩa với 140 ha…

Cần những trợ lực

Tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm nông nghiệp OCOP của Đắk Nông rất lớn, nhưng thực tế lại chưa tương xứng với nguồn tài nguyên vốn có.

Trong đó, quy mô các tổ chức kinh tế còn nhỏ, năng lực quản trị yếu, lại thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi. Sản phẩm thiếu tính đa dạng, phong phú. Công nghệ, kỹ thuật chế biến, chế biến sâu chưa nhiều.

Sản phẩm OCOP của Công ty TNHH MTV Sản xuất, thương mại và dịch vụ Vương Anh (Gia Nghĩa) được giới thiệu thông qua các sét quà tặng cho du khách

Một số sản phẩm OCOP có sản lượng chưa đáp ứng nhu cầu thị trường. Việc hình thành chuỗi từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ còn ít. Các sản phẩm nông nghiệp OCOP cũng chưa quan tâm giới thiệu tại các điểm du lịch…

Theo Sở NN-PTNT, để sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch cộng đồng, cần phải có sự chung tay hỗ trợ nhiều hơn nữa. Cụ thể, các doanh nghiệp, HTX, trang trại… sớm xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm để cung cấp cho du khách.

Du khách có thể trải nghiệm làm sản phẩm sô cô la tại Công ty TNHH Cà phê Bazan Đắk Nông (Gia Nghĩa)

Ngành chức năng sớm có kế hoạch hướng dẫn nhà vườn, trang trại đẩy mạnh mô hình du lịch homestay, trải nghiệm nông nghiệp. Các ngành chức năng sẽ hỗ trợ để đưa các sản phẩm OCOP vào các trung tâm, điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP tại mỗi địa phương, nhất là các khu du lịch…

Đặc biệt, các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, người dân sẽ được khuyến khích mạnh dạn đầu tư và tham gia vào các hoạt động du lịch; đồng thời, liên kết với các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh để đưa khách du lịch đến tận thôn, buôn…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO