Nông dân gắn bó với cây dài ngày

Trần Lê| 07/09/2022 08:51

Những năm gần đây, diện tích cây trồng dài ngày được người dân phát triển nhiều. Điều này cho thấy, bà con đã hạn chế sản xuất theo phong trào, có sự tính toán kỹ lưỡng hơn trong phát triển cây trồng.

ADQuảng cáo

Đầu mùa mưa năm nay, gia đình anh Đỗ Minh Châu, thôn 10, xã Nam Bình (Đắk Song), đã xuống giống một số loại cây trồng dài ngày như: cà phê, mắc ca, cây ăn quả...

Trên 2 ha đất, anh trồng cà phê xen với mắc ca và một số loại cây ăn quả khác. Anh Châu cho rằng, làm như vậy sẽ giảm được một phần rủi ro trong sản xuất, nhất là cảnh "được mùa mất giá, được giá mất mùa".

Trồng xen các loại cây dài ngày cũng giúp anh có được các khoản thu nhập rải đều trong năm, giảm áp lực nhân công và đầu ra sản phẩm. Để bảo đảm sản xuất an toàn, anh coi trọng chất lượng cây giống. Anh luôn tìm hiểu kỹ càng, mua giống ở những cơ sở uy tín, được quản lý tốt.

"Từ những ảnh hưởng của thị trường, giá nông sản, vật tư nông nghiệp, tôi đã thận trọng hơn trong việc lựa chọn phát triển cây trồng. Tôi không còn trồng cây theo phong trào như trước nữa", anh Châu cho biết.

Công tác quản lý chất lượng cây giống đang được tỉnh đặc biệt quan tâm

Mùa mưa năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Chung, thôn 2, xã Trường Xuân (Đắk Song), cũng tái canh hơn 5 sào cà phê. Theo ông Chung, vườn cà phê gần 3 ha của gia đình đã trồng khoảng 20 năm, nên già cỗi, kém hiệu quả.

Ông Chung dự định sẽ trồng lại toàn bộ vườn cà phê, nhưng năm nay chỉ triển khai một phần. Ông tiếp tục theo dõi tình hình sản xuất những năm tiếp theo rồi mới quyết định tái canh cà phê hay lựa chọn cây trồng khác.

Theo ông Chung, trước những ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai, giá cả thị trường, buộc ông phải tính toán lại để bảo đảm sản xuất không bị thua lỗ. Trong đó, ông Chung hạn chế chạy theo phong trào trong sản xuất, phát triển cây trồng.

ADQuảng cáo

Để phát triển cây trồng hiệu quả, ngoài những yếu tố khách quan, ông Chung luôn chú trọng về chất lượng cây giống, xử lý đất kỹ càng trước khi xuống giống.

Ông chú trọng học hỏi các kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh, giúp cây trồng phát triển tốt ở giai đoạn kiến thiết cơ bản. Bởi vì, cây trồng dài ngày chiếm khá nhiều chi phí đầu tư, mất nhiều thời gian mới có thu hoạch. Do đó, nếu không thận trọng, nông dân sẽ thiệt hại rất lớn.

Theo Sở NN-PTNT, từ đầu năm đến nay, nông dân toàn tỉnh đã xuống giống trên 2.000 ha cây dài ngày. Trong đó, cà phê 359 ha (gồm trồng mới và ghép cải tạo); hồ tiêu 334 ha; điều 85 ha; mắc ca 400 ha và trên 900 ha cây ăn quả các loại.

So với năm 2021, nhà nông đã thận trọng hơn trong việc xuống giống các loại cây trồng, nhất là lựa chọn chủng loại, cây giống, chi phí đầu tư...

Phần lớn các loại cây trồng được người dân lựa chọn đầu tư, phát triển đều nằm trong quy hoạch, kế hoạch phát triển chung của tỉnh. Trong đó, nhiều loại cây trồng chủ lực của tỉnh, có tiềm năng lớn về kinh tế như điều, cà phê, sầu riêng...

Để giúp nhà nông phát triển cây trồng hiệu quả, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường quản lý chất lượng cây giống, vật tư nông nghiệp. Tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có nhiều hoạt động nhằm bảo đảm chất lượng, nguồn gốc cây giống, vật tư.

Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT triển khai tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mới xuống giống; xây dựng các mô hình trình diễn để người dân tìm hiểu, học tập, áp dụng...

Ngành Nông nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng người dân phát triển các loại cây trồng phù hợp, hiệu quả. Trong đó, việc khuyến khích phát triển các loại cây chủ lực, có tiềm năng lớn theo hướng chất lượng cao được ngành Nông nghiệp rất chú trọng...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân gắn bó với cây dài ngày
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO