Krông Nô chủ động luân canh để chống hạn

Đức Hùng| 22/03/2022 08:41

Nhiều vùng sản xuất của huyện Krông Nô thường xuyên đối mặt với tình trạng thiếu nước tưới, nguy cơ hạn hán cao. Do đó, chính quyền và người dân đã chủ động luân canh, chuyển đổi cây trồng để vừa chống hạn, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao.

ADQuảng cáo

Gia đình ông Nguyễn Văn Hải, ở thôn Nam Thanh, xã Nâm N’đir (Krông Nô) có 3 ha đất ở cánh đồng Đắk Rền. Vụ sản xuất đông xuân năm nay, gia đình ông Hải không trồng lúa nước như mọi năm.

Thay vào đó, gia đình ông đã chuyển đổi sang trồng khoai lang. Hiện nay, khoai lang đang phát triển tốt và bước vào giai đoạn chăm sóc, duy trì chế độ dinh dưỡng định kỳ.

Theo ông Hải, đất nằm trên cánh đồng Đắk Rền thường xuyên thiếu nước cục bộ, nên gia đình chuyển đổi cây trồng để vừa chống hạn, vừa cải tạo đất. Ngoài ra, việc trồng lúa liên tục trên một diện tích cũng không mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên phải cải tạo đất.

"Việc luân canh sẽ giúp gia đình tôi giảm được chi phí cải tạo đất, phòng trừ sâu bệnh, cải tạo đất hiệu quả. Cây khoai lang cần ít nước hơn cây lúa, mỗi tháng tôi chỉ cần tưới 3 lần là đủ nước để cây sinh trưởng và phát triển tốt", ông Hải cho biết.

Nông dân trồng khoai trên cánh đồng Đắk Rền

Gia đình ông Hải đã chọn cách sản xuất luân canh 1 vụ lúa, 1 vụ khoai. Ngoài kinh nghiệm sản xuất khoai, ông Hải còn chủ động ươm giống để phục vụ sản xuất hằng năm.

Nói về hiệu quả kinh tế, ông Hải cho biết, những năm trước, mỗi ha khoai cho thu hoạch khoảng 20 tấn củ, lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng. So với sản xuất lúa ở cánh đồng Đắk Rền, hiệu quả của khoai lang cũng không thua kém gì.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Đồng, ở thôn Nam Thanh, Nâm N’đir, cũng đang chăm sóc cho 6 ha khoai lang ở cánh đồng Đắk Rền. Ông Đồng cho biết, tôi chủ động chuyển đổi cây trồng một phần do nguồn nước, một phần để cải tạo đất và tạo nguồn thu nhập cao cho gia đình.

ADQuảng cáo

Vụ lúa vừa thu hoạch phục vụ nhu cầu lương thực của gia đình, vừa bán. Còn vụ khoai lang để tăng thu nhập. Vì theo tính toán của gia đình, hiệu quả kinh tế cây khoai lang có phần cao hơn lúa khá nhiều.

Vụ khoai được người dân đầu tư hệ thống tưới nước tự động khá bài bản

Theo thống kê của Phòng NN - PTNT huyện Krông Nô, vụ đông xuân năm nay, người dân trên địa bàn đã luân canh, chuyển đổi khoảng 100 ha đất từ trồng lúa sang trồng bí đỏ, khoai lang, các loại cây ngắn ngày khác.

Diện tích luân canh tập trung lớn ở các xã Nâm N’đir, Quảng Phú, Đắk Nang… Đây đều là những khu vực sản xuất có nguy cơ thiếu nước, hạn hán cao trong vụ đông xuân.

Qua nhiều năm được ngành Nông nghiệp định hướng và hướng dẫn, người dân đã chủ động luân canh cây trồng khá hiệu quả. Các loại cây ngắn ngày được luân canh đều sinh trưởng, phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Ông Doãn Gia Lộc, Quyền Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Nô cho biết, những năm gần đây, dựa vào tình hình, người dân đã chủ động luân canh, chuyển đổi cây trồng hợp lý để tránh hạn hán, thiếu nước.

Việc luân canh cây trồng được người dân chủ động giống, kỹ thuật và lịch thời vụ nhờ đó hiệu quả kinh tế mang lại ngày càng cao. Nhiều vùng đã luân canh tập trung thành vùng nguyên liệu lớn để kết nối thị trường tiêu thụ.

Vụ đông xuân 2021- 2022, trên địa bàn huyện sản xuất khoảng 4.260 ha cây ngắn ngày. Trong đó, lúa nước 1.945 ha, ngô 1.316 ha, khoai lang 53 ha, bí đỏ 197 ha, rau các loại 191 ha...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Krông Nô chủ động luân canh để chống hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO