Kinh tế rừng còn ngập ngừng

Song Việt| 25/05/2022 09:33

Đắk Nông có diện tích rừng tự nhiên rất lớn, với hơn 350.000 ha. Rừng ở Đắk Nông rất đa dạng sinh học, với nhiều loại động, thực vật quý hiếm và nhiều cảnh quan đẹp, thích hợp cho phát triển kinh tế rừng. Tỉnh cũng đang có chủ trương khai thác kinh tế rừng để giữ rừng hiệu quả hơn.

ADQuảng cáo

Giá trị riêng có từ kinh tế rừng

Những năm gần đây, vấn đề giữ rừng, phát triển kinh tế rừng được tỉnh rất quan tâm. Mục tiêu của tỉnh là bảo tồn, phát triển bền vững các giá trị của rừng, giảm gánh nặng ngân sách, nâng cao đời sống của người dân địa phương.

Theo chủ trương này, nhiều đơn vị quản lý rừng trên địa bàn tỉnh đã đầu tư hạ tầng để khai thác kinh tế rừng hoặc cho thuê dịch vụ môi trường rừng.

Một số khu vực đã có dự án kinh tế rừng đi vào hoạt động như: Khu du lịch sinh thái thác Lưu Ly; Khu du lịch sinh thái thác Đắk G'lun; Khu du lịch Tà Đùng; Dự án khai thác du lịch của Công ty TNHH MTV Nam Tây Nguyên...

Theo ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Nam Tây Nguyên, trong phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021-2030, đơn vị đặt mục tiêu doanh thu dịch vụ môi trường rừng hàng năm khoảng hơn 10 tỷ đồng.

Công ty cũng mời gọi các tổ chức, cá nhân hợp tác, liên kết, liên doanh thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái ở các khu vực có lợi thế; khai thác, tận dụng các vật liệu dưới tán rừng.

Trước mắt, Công ty mời gọi doanh nghiệp hợp tác phát triển du lịch tại những khu vực có thác nước đẹp. Ngoài ra, Công ty cũng chú trọng đầu tư một số hạng mục công trình đường giao thông, trạm kiểm soát phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển du lịch.

Rừng Đắk Nông có nhiều thác nước, cảnh quan rất đẹp, nhưng khai thác để làm du lịch còn hạn chế

Còn theo ông Khương Thanh Long, Giám đốc Vườn Quốc gia Tà Đùng, trong những tháng đầu năm 2022, khách đến tham quan tại khu vực bảo tồn của đơn vị tăng gấp khoảng 3 lần so với năm 2021.

Doanh thu dịch vụ môi trường rừng của Vườn Quốc gia Tà Đùng tăng bình quân hơn 10%/năm. Tuy nhiên, trên thực tế, đơn vị mới chỉ khai thác được một phần nhỏ tiềm năng kinh tế rừng.

Cũng theo ông Long, đơn vị đang lên các phương án khai thác kinh tế rừng. Cụ thể, cùng với đẩy mạnh hợp tác bảo vệ, phát triển rừng với người dân, đơn vị sẽ tổ chức các hoạt động thu hút du khách đến tham quan các khu vực bảo tồn thiên nhiên được phép tiếp cận.

Còn với Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa, để nâng cao giá trị kinh tế rừng, trong thời gian tới, đơn vị tập trung liên kết với người dân phát triển các loại cây lâm nghiệp trên đất rừng, cho thuê dịch vụ môi trường rừng.

ADQuảng cáo

Cùng với đó, đơn vị tập trung bảo tồn, phát triển hệ sinh thái rừng phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương. Ban Quản lý cũng kết nối, hình thành tour du lịch sinh thái gắn với vùng sản xuất nông sản đặc trưng...

Mục tiêu và yêu cầu hài hòa lợi ích kinh tế - môi trường

Những năm qua, tỉnh đã dành nhiều kinh phí cho các hoạt động bảo vệ, phục hồi và phát triển rừng. Tỉnh cũng đặt quan điểm phát triển kinh tế rừng phải đi đôi với bảo vệ môi trường tự nhiên, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân.

Thời gian qua, phần lớn diện tích rừng tự nhiên được bảo vệ nghiêm ngặt, các hệ sinh thái dưới nước và trên cạn ngày càng phát triển theo hướng đa dạng, nhất là tại Vườn Quốc gia Tà Đùng và Khu Bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung.

Rừng Đắk Nông có nhiều loại động thực vật giá trị

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên cho rằng, rất ít địa phương có 2 khu vực rừng được bảo tồn với quy mô lớn như Đắk Nông. Đây là kết quả quá trình từ nhiều năm tỉnh thực hiện đóng cửa rừng để bảo vệ, phục hồi và phát triển rừng.

"Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có, nhưng vẫn giữ được các giá trị tự nhiên, đa dạng sinh học cũng như diện tích rừng hiện có", Phó Chủ tịch Lê Trọng Yên nêu quan điểm.

Cũng theo ông Yên, mục tiêu chung của tỉnh trong thời gian tới là bảo toàn và phát triển diện tích rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao giá trị phòng hộ của rừng và bảo vệ môi trường rừng.

Thế nhưng, tỉnh cũng tạo điều kiện để khai thác lợi thế tự nhiên của rừng để tăng nguồn thu cho đơn vị quản lý rừng, giúp giảm chi ngân sách và góp phần cải thiện đời sống người dân.

Do vậy, ngay từ bây giờ, các đơn vị quản lý rừng phải bắt tay xây dựng kế hoạch, đề án một cách bài bản, khoa học để khai thác các giá trị kinh tế từ rừng hợp lý, an toàn, đúng quy định.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Lê Quang Dần cho rằng, hiện một số chủ rừng đang khai thác kinh tế rừng, nhưng vốn đầu tư có hạn, không có chuyên môn tốt, nên hiệu quả chưa cao.

Một số doanh nghiệp muốn thuê môi trường rừng để phát triển các dự án du lịch sinh thái, nhưng chưa được tỉnh triển khai, vì còn vướng quy định cũng như cơ chế, chính sách.

Do đó, để khai thác kinh tế rừng hiệu quả hơn trong thời gian tới, tỉnh cần thêm những giải pháp phù hợp. Trong đó, tỉnh cần mạnh dạn giao thêm trách nhiệm cho các đơn vị chủ rừng trong các hoạt động khai thác kinh tế rừng...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế rừng còn ngập ngừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO