Chủ động phòng bệnh khảm lá trên cây sắn

Hồng Thoan| 07/09/2021 08:52

Bệnh khảm lá trên cây sắn có thể làm giảm năng suất, thậm chí mất mùa. Vụ hè thu này, bà con nông dân, ngành chức năng đã chủ động phòng bệnh khảm lá từ đầu, nên hầu hết diện tích sắn phát triển tốt, hứa hẹn được mùa.

ADQuảng cáo

Sắn là cây dễ trồng, không kén đất, ít vốn đầu tư, phù hợp với nhiều vùng sinh thái khác nhau. Loại cây trồng này rất phù hợp với điều kiện kinh tế nông hộ, nhất là hộ khó khăn.

Vụ hè thu 2021, tỉnh Đắk Nông trồng trên 6.900 ha sắn. Hiện diện tích sắn đang phát triển tốt, không xuất hiện sâu bệnh

Sắn có thể làm nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc. Tinh bột sắn là mặt hàng xuất khẩu có giá trị, có thị trường đầu ra khá ổn định. Từ những ưu thế đó, hàng năm, sắn được nhiều nông hộ ưu tiên sản xuất, nhất là vụ hè thu.

Những năm gần đây, dịch bệnh trên cây sắn xuất hiện nhiều hơn, trong đó bệnh vi rút khảm lá sắn tương đối nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh, gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất.

Triệu chứng bệnh chủ yếu xuất hiện trên lá sắn, khiến lá khảm vàng loang lổ. Khi nhiễm vi rút nặng, lá sắn bị xoăn, cong queo, nhăn nhúm lại. Bệnh này lây qua hom giống và môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng.

Nếu vườn sắn nhiễm bệnh vào giai đoạn đầu, có thể làm giảm năng suất đến 90%, thậm chí mất trắng. Chính vì thế, ngành Nông nghiệp, các địa phương đã chủ động tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống bệnh vi rút khảm lá sắn.

ADQuảng cáo

Ông Mai Văn Tùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk Glong cho biết, hằng năm địa phương có diện tích sắn hè thu khá lớn, tập trung ở hai xã Đắk R’măng và Quảng Sơn.

Sắn mang lại nguồn thu đáng kể cho các hộ dân khó khăn, hộ nghèo, dân tộc thiểu số. Sắn thường được sản xuất ở những vùng đất kém màu mỡ. Để giúp người dân sản xuất sắn hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện khuyến cáo bà con sử dụng các giống sắn kháng bệnh. Trong đó, huyện tuyên truyền người dân không sử dụng giống sắn HL-S11 vì dễ nhiễm bệnh. Thay vào đó, bà con nên sử dụng các giống sắn ít nhiễm bệnh như: KM 94, KM140.
Cán bộ nông nghiệp, khuyến nông, bảo vệ thực vật luôn bám sát cơ sở để hướng dẫn sản xuất, rà soát vườn, rẫy giúp bà con phòng, chống bệnh ngay từ đầu. Nhờ chuẩn bị tốt khâu giống sạch, nên hầu hết diện tích sắn vụ hè thu ở Đắk Glong đều phát triển tốt, chưa xuất hiện bệnh khảm lá.

Theo ông Trần Văn Hiếu, thôn 7, xã Đắk R’măng (Đắk Glong), vụ hè thu này, gia đình đã xuống giống hơn 1 ha sắn trên diện tích đất xấu, độ dốc lớn. Để bảo đảm cây sắn phát triển tốt, yếu tố quan trọng nhất là khâu chọn giống.

Ông tự nhân giống để bảo đảm cây sắn phát triển khỏe mạnh, cho năng suất cao. Khi mới xuống giống, các hom sắn bắt đầu nảy mầm, ra lá thì phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi.

Nếu phát hiện sắn có mầm bệnh thì lập tức nhổ bỏ, tiêu hủy. Sau đó, xử lý lại đất, khử khuẩn an toàn và để sau một thời gian mới trồng lại.

Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, vụ hè thu năm 2021, nông dân trên địa bàn tỉnh đã xuống giống trên 6.900 ha sắn, trong đó tập trung chủ yếu ở các huyện Krông Nô (2.900 ha), Đắk Glong (1.425 ha), Tuy Đức (825 ha).
Nhờ đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ngay từ đầu, nên đến nay, hầu hết diện tích sắn của bà con đều phát triển tốt, hứa hẹn mang lại năng suất cao.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động phòng bệnh khảm lá trên cây sắn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO